ĐÀ NẴNG: NHIỀU CHÍNH SÁCH ĐỒNG BỘ PHỤC HỒI KINH TẾ - XÃ HỘI TRONG TRẠNG THÁI BÌNH THƯỜNG MỚI

3 năm trước

Thành phố Đà Nẵng sẽ triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động để phục hồi kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.

Khu công nghiệp Hòa Khánh, nơi có nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực sản xuất, kinh doanh, góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế thành phố. 														         Ảnh: HOÀNG HIỆP

Khu công nghiệp Hòa Khánh, nơi có nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực sản xuất, kinh doanh, góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế thành phố. Ảnh: HOÀNG HIỆP

3 kịch bản tăng trưởng năm 2022

Tại hội nghị “Đối thoại doanh nghiệp” tổ chức ngày 24-9 vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cho biết, thành phố xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng cho năm 2022 ở 3 cấp độ: thấp, trung bình và cao. Cụ thể, đối với kịch bản tăng trưởng thấp, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2022 đạt 4,47% so với năm 2021, trong đó các khu vực nông, lâm, thủy sản; công nghiệp - xây dựng; dịch vụ có tốc độ tăng trưởng lần lượt là 1,85%, 5,4% và 3,87%. Về kịch bản tăng trưởng trung bình, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2022 đạt 5,75% so với năm 2021, trong đó các khu vực nông, lâm, thủy sản; công nghiệp - xây dựng; dịch vụ có tốc độ tăng trưởng lần lượt là 2,5%; 6,8% và 5,4%. Đối với kịch bản tăng trưởng cao, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2022 đạt 7,01% so với năm 2021, trong đó các khu vực nông, lâm, thủy sản; công nghiệp - xây dựng; dịch vụ có tốc độ tăng trưởng lần lượt là 3,01%, 8,40% và 6,63%.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trần Thị Thanh Tâm, về việc xây dựng kịch bản tăng trưởng năm 2022, sở xác định tầm quan trọng của “chiến lược vắc-xin”, theo đó dự kiến tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 1 đạt hơn 95% vào cuối tháng 9-2021, đạt 100% mũi 1 và 22,1% mũi 2 vào cuối tháng 10-2021. Với khả năng kiểm soát dịch bệnh ở cấp độ 1 (trạng thái bình thường mới), thành phố sẽ đạt được các chỉ tiêu tăng trưởng năm 2022 theo kịch bản trung bình. Trường hợp dịch bệnh được kiểm soát tốt, kinh tế quốc tế sớm phục hồi trở lại thì các ngành kinh tế như: công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng; vận tải kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống… được phục hồi nhanh, trở lại mức tương đương hoặc cao hơn năm 2019, khả năng thành phố sẽ đạt được tăng trưởng ở mức kịch bản cao.

Lĩnh vực công nghệ thông tin sẽ tăng tốc phát triển khi nới lỏng giãn cách trong phòng, chống Covid-19. Trong ảnh: Tập đoàn FPT tại Đà Nẵng triển khai hoạt động nghiên cứu phát triển phần mềm.  Ảnh: TRIỆU TÙNG

Lĩnh vực công nghệ thông tin sẽ tăng tốc phát triển khi nới lỏng giãn cách trong phòng, chống Covid-19. TRONG ẢNH: Tập đoàn FPT tại Đà Nẵng triển khai hoạt động nghiên cứu phát triển phần mềm. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Nhiều chính sách đồng bộ

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh, hiện thành phố đã đáp ứng được các chỉ số phòng, chống dịch và triển khai các hoạt động kinh tế, xã hội theo cấp độ 1 (bình thường mới). Đà Nẵng cũng dự kiến áp dụng biện pháp phòng, chống dịch và triển khai các hoạt động kinh tế, xã hội theo cấp độ 2 (theo Chỉ thị số 19-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ) từ ngày 1 đến 15-10, sau đó sẽ chuyển sang áp dụng cấp độ 1 theo khung hướng dẫn của Bộ Y tế. Đây là tín hiệu khả quan để phục hồi kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới. Để đạt được những mục tiêu nêu trên, thành phố xác định ngoài việc tập trung triển khai có hiệu quả các chính sách đã được ban hành thì đồng thời nghiên cứu các nhóm giải pháp mới trong thời gian tới.

Theo đó, ngoài việc tập trung triển khai có hiệu quả các chính sách đã được ban hành về đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc-xin, hỗ trợ tiền thuê mặt bằng cho tiểu thương kinh doanh tại các chợ trong thời hạn 6 tháng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn ngân hàng thương mại được tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất sau đầu tư theo nghị quyết của HĐND thành phố, hỗ trợ người lao động trong doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19..., thành phố sẽ triển khai nhiều nhóm giải pháp đồng bộ trong thời gian tới.

Cụ thể, hỗ trợ phí sử dụng hạ tầng trong năm 2021 tại Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp, Khu Công nghệ thông tin tập trung; hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay tín dụng vốn lưu động cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, vận tải, logistics, công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ chi phí xét nghiệm người lao động cho doanh nghiệp (mức độ xét nghiệm căn cứ theo kế hoạch phòng, chống dịch và khôi phục kinh tế của thành phố); hỗ trợ tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho người lao động mới tại các doanh nghiệp. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tiếp cận vay vốn từ Quỹ Đầu tư phát triển thành phố để khôi phục sản xuất kinh doanh. Triển khai Chương trình xây dựng nhà ở cho công nhân. Miễn phí kinh phí đào tạo nghề cho người lao động (từ nguồn Quỹ bảo hiểm thất nghiệp chi trả).

Hỗ trợ điều chỉnh giảm hệ số đối với các thửa đất có vị trí đặc biệt; điều chỉnh bổ sung hệ số phân vệt khu đất theo chiều sâu thửa đất (gồm đất ở, đất thương mại dịch vụ và sản xuất kinh doanh). Hỗ trợ cho phép gia hạn thuê đất đối với thuê đất theo hiện trạng sử dụng. Cho phép doanh nghiệp được điều chỉnh giãn tiến độ triển khai dự án đầu tư do ảnh hưởng của Covid-19.

Ngoài ra, theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh, thành phố sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương xem xét đối với các quy định vượt quá thẩm quyền cho phép của UBND thành phố về vắc-xin; về cơ cấu và giãn nợ, giảm lãi suất; về thuế và tiền thuê đất, bảo hiểm xã hội, giá điện...

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Đà Nẵng Phạm Đắc Bình cho rằng, việc lãnh đạo thành phố quan tâm chuyển trạng thái phòng, chống dịch sang giai đoạn mới rất kịp thời, đáp ứng sự mong mỏi của cộng đồng doanh nghiệp. Việc bao phủ tiêm vắc-xin mũi 1 phòng Covid-19 cho người dân và lao động của doanh nghiệp giúp doanh nghiệp yên tâm hướng đến mục tiêu bảo đảm sản xuất an toàn. Hàng loạt các chính sách cần hỗ trợ lâu nay cho doanh nghiệp đều được thành phố giải quyết và thực hiện như miễn giảm tiền thuê đất, hỗ trợ chi phí xét nghiệm Covid-19. Các chính sách về vốn, tín dụng... đang được tháo gỡ giúp tiếp thêm nguồn lực để doanh nghiệp vực dậy sản xuất.

Nguồn: Triệu Tùng (Theo baodanang.vn)