ĐÀ NẴNG: NGUỒN LỰC PHÁT TRIỂN KINH TẾ ĐÔ THỊ ĐẾN NĂM 2030

3 năm trước

Ngày 15-3-2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 359/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mục tiêu xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch. Quy hoạch xác định các dự án đầu tư để phát triển kinh tế đô thị; trong đó các dự án phát triển giao thông làm động lực phát triển.

Trục giao thông hướng đông-tây tiếp tục được đầu tư như hầm qua sông Hàn, cầu qua sông theo trục tuyến đường Bùi Tá Hán (quận Ngũ Hành Sơn) qua Khu đô thị Hòa Xuân... Trong ảnh: Trục đường Võ Văn Kiệt- Nguyễn Văn Linh qua cầu Rồng. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Trục giao thông hướng đông-tây tiếp tục được đầu tư như hầm qua sông Hàn, cầu qua sông theo trục tuyến đường Bùi Tá Hán (quận Ngũ Hành Sơn) qua Khu đô thị Hòa Xuân... TRONG ẢNH: Trục đường Võ Văn Kiệt- Nguyễn Văn Linh qua cầu Rồng. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Cú hích từ hạ tầng giao thông

23 dự án hạ tầng giao thông vừa được phê duyệt quy hoạch để đầu tư phát triển đô thị hứa hẹn sẽ tạo ra nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế. Điểm nhấn trong đầu tư lĩnh vực hạ tầng giao thông là dự án bến cảng Liên Chiểu (bao gồm đầu tư tuyến đường kết nối từ cảng đến đường Hồ Chí Minh và đường vành đai phía bắc) với vốn đầu tư hơn 3.426 tỷ đồng (chưa bao gồm vốn của nhà đầu tư).

Về giao thông đường sắt có dự án di dời ga đường sắt cũ và tái thiết phát triển đô thị với nguồn vốn 11.295 tỷ đồng thực hiện theo hình thức đầu tư - chuyển giao (BT), vốn ngân sách Nhà nước tham gia công tác đền bù giải tỏa, tái định cư. Giao thông hàng không có dự án mở rộng Nhà ga T1 Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng từ nguồn vốn Trung ương.

Hạ tầng giao thông đường bộ kết nối vùng được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Trung ương có dự án kết nối giao thông sân bay Đà Nẵng về phía tây để nâng cao năng lực khai thác Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng; nâng cấp mở rộng quốc lộ 14G; mở rộng tuyến quốc lộ 14B giai đoạn 1.

Các dự án giao thông tạo nguồn lực phát triển kinh tế khác chủ yếu sử dụng vốn từ nhà đầu tư như: dự án trung tâm logistis cảng Liên Chiểu; Trung tâm logistis ga hàng hóa Kim Liên; Trung tâm logistis Khu Công nghệ cao; Trung tâm logistis Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng; mở rộng Trung tâm logistis cảng Đà Nẵng (tại xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang).

Một số dự án kêu gọi đầu tư từ nguồn vốn ODA (nguồn vốn mà Chính phủ, các cơ quan chính thức các nước hoặc các tổ chức phi chính phủ, quốc tế cho các nước đang và kém phát triển vay để phát triển kinh tế - xã hội) và PPP (đối tác công tư) nhằm tái thiết và phát triển đô thị theo hướng thông minh, hiện đại có các dự án tàu điện ngầm, tàu điện.

Bên cạnh đó, hàng loạt các dự án hạ tầng giao thông đô thị vốn có sự quan tâm của người dân thành phố và nhiều nhà đầu tư. Đây là các dự án tác động đến đời sống và phát triển đô thị như hầm qua sông Hàn với chủ trương kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP với tổng vốn 5.700 tỷ đồng; dự án cầu vượt sông Hàn nối đường Bùi Tá Hán (phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) qua Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) với tổng vốn đầu tư 425 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố và vốn nhà đầu tư đóng góp.

Đặc biệt, thành phố cũng sử dụng nguồn ngân sách địa phương để chủ động thực hiện nhiều dự án hạ tầng giao thông đô thị như: đầu tư 643 tỷ đồng nâng cấp tuyến đường ĐT601; đầu tư 364 tỷ đồng tiếp tục thực hiện dự án tuyến đường giao thông trục 1 đô thị tây bắc; dự án tuyến đường vành đai phía tây; các bãi đỗ ô-tô. Ngoài ra tiếp tục đầu tư cải tạo, nâng cấp một số nút giao thông trọng điểm trên địa bàn thành phố như đoạn tuyến Nguyễn Sinh Sắc - Hoàng Văn Thái; Lê Duẩn - Đống Đa; Hoàng Hoa Thám - Nguyễn Tất Thành…

Tạo sức bật phát triển kinh tế đô thị

Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định chủ trương đầu tư hàng loạt các dự án phát triển kinh tế đô thị như tổ hợp trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ, vui chơi giải trí tổng hợp; công viên văn hóa và vui chơi giải trí phía đông nam đài tưởng niệm; khu sân golf VinaCapital Đà Nẵng; khu tổ hợp công trình phục vụ lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng; công viên chuyên đề phía nam bán đảo Sơn Trà; quần thể du lịch sinh thái Bà Nà - Suối Mơ và khu du lịch Bà Nà Hills; khu du lịch nghỉ dưỡng tổng hợp Làng Vân; khu nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun Peninsula; dự án Công viên chuyên đề phía nam bán đảo Sơn Trà… cùng hàng loạt các khu đô thị mới phía tây, tây bắc thành phố.

Ngoài ra, Đà Nẵng sẽ tập trung phát triển công nghệ cao với quy mô diện tích đất khoảng 1.710ha, gồm: Khu Công nghệ cao Đà Nẵng và Khu Công nghệ cao mở rộng; Khu công nghệ thông tin tập trung số 1, số 2; Khu Công viên phần mềm số 1, số 2, số 3; đồng thời, hình thành Cụm đổi mới sáng tạo tại phía nam thành phố gắn liền với Khu đô thị đại học Đà Nẵng, Trung tâm Đổi mới sáng tạo và công viên phần mềm.

Lĩnh vực giáo dục thu hút đầu tư 1.476 tỷ đồng phát triển khu giáo dục ngoại khóa và sinh thái Khe Răm. Lĩnh vực y tế có dự án nâng cấp Bệnh viện Phụ sản - Nhi với vốn đầu tư 1.576 tỷ đồng cùng với các dự án nâng cấp, cải tạo, mở rộng mạng lưới bệnh viện trên toàn địa bàn thành phố. Về thương mại có dự án đầu tư chợ đầu mối Hòa Phước; nâng cấp mở rộng quy mô hệ thống các chợ. Lĩnh vực văn hóa - thể thao có dự án Công viên Văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn; 2 công viên bách thảo có vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng tại huyện Hòa Vang…

Quy hoạch chung phát triển thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tạo cho Đà Nẵng nhiều dư địa phát triển. Các dự án đầu tư công làm động lực tạo sức hút các nguồn lực đầu tư toàn xã hội, đa dạng các loại hình đầu tư góp phần thúc đẩy phát triển thành phố trong những giai đoạn mới.

Nguồn: Triệu Tùng (Theo baodanang.vn)