ĐÀ NẴNG: MỞ RỘNG THỊ TRƯỜNG KHÁCH NỘI ĐỊA

4 năm trước

Thực tế hiện nay, du khách đến Đà Nẵng chủ yếu từ hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, trong khi nguồn khách từ các địa phương khác khá dồi dào. Do đó, ngành Du lịch thành phố cần có kế hoạch, sản phẩm phù hợp để thu hút thêm khách từ các địa phương khác

Về lâu dài, ngành du lịch thành phố cần có sản phẩm cụ thể gắn với phân khúc thị trường khách du lịch theo vùng. Trong ảnh: Du khách nội địa tham quan tại Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh: SONG KHUÊ

Về lâu dài, ngành du lịch thành phố cần có sản phẩm cụ thể gắn với phân khúc thị trường khách du lịch theo vùng. Trong ảnh: Du khách nội địa tham quan tại Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh: SONG KHUÊ

Theo thống kê sơ bộ của các đơn vị lữ hành sau khi mở bán các sản phẩm kích cầu từ ngày 23-5 đến nay, trong số lượng combo du lịch vé máy bay bán ra thì có đến 2/3 là khách đến từ Thành phố Hà Nội, 1/3 đến từ Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương lân cận.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Thái Bảo Long, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên thương mại du lịch Trường Sa chia sẻ: “Chúng ta không chỉ khai thác khách từ hai đầu đất nước mà nên khai thác thêm khách từ các địa phương khác, phân cụm theo vùng như vùng Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ…

Đà Nẵng cũng là một điểm đến có nhiều lợi thế cùng với các đường bay khá thuận lợi. Vì vậy, chỉ cần có sản phẩm phù hợp với thị hiếu của khách thì sẽ thu hút được khách đến với Đà Nẵng”. Còn ông Nguyễn Văn Tài, Chủ tịch HĐQT Công ty Dịch vụ lữ hành Kết nối mới (Necotour) thì cho rằng các yếu tố quyết định một chuyến đi du lịch của khách gồm có quỹ thời gian, tài chính, ưu đãi từ các đơn vị lữ hành, sản phẩm du lịch hấp dẫn... Trong thời điểm hiện nay, việc triển khai các gói combo du lịch vé máy bay, phòng khách sạn, dịch vụ đưa đón thực sự là giải pháp để thu hút khách vì giá phải chăng, dịch vụ ổn định.

Bên cạnh đó, một số hãng hàng không đã đưa vào khai thác các đường bay nội địa mới từ Đà Nẵng góp phần cho việc đi lại của du khách từ các địa phương khác đến Đà Nẵng thuận tiện hơn. Ông Tài nhìn nhận, hiện nay du khách có xu hướng chuộng du lịch tự do, tức là thích tự đặt vé máy bay và phòng khách sạn theo combo (dịch vụ theo gói), khi đến nơi mới lựa chọn các gói tour đi, về và dịch vụ trong ngày.

Vì vậy, đa phần các đơn vị lữ hành trên địa bàn thành phố đều đang khai thác các tour du lịch đi và về trong ngày, xây dựng những sản phẩm tour riêng biệt, đặc trưng để thu hút khách bằng cách tạo điểm nhấn ở những điểm đến khác nhau. Ngoài ra, ngành Du lịch thành phố cũng nên có thêm các sự kiện để làm mới và tăng sức hấp dẫn đối với du khách.

Phó Tổng giám đốc Công ty Du lịch Việt Nam Vitours Lê Tấn Thanh Tùng nhìn nhận, ngay từ khi hết thời gian giãn cách và được mở cửa đón khách, các tour lân cận nội vùng đến Đà Nẵng (Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Ngãi) được nhiều khách quan tâm, đặc biệt là các khách trẻ, dựa vào nhu cầu của khách thì doanh nghiệp có thể nhắm đến khai thác. Giữa tháng 7 tới đây khi học sinh các cấp kết thúc năm học, nhu cầu du lịch gia đình, theo nhóm sẽ tăng.

“Về lâu dài, thành phố cần có chiến lược quảng bá dài hơi hơn bởi xu hướng hiện nay người dân không lập kế hoạch dài như trước kia, thấy giá rẻ, phù hợp là họ sẽ đi. Vì vậy, ngoài việc chăm sóc tốt khách hàng cũ, thì các doanh nghiệp du lịch, ngành Du lịch thành phố nên có giải pháp quảng bá truyền thông online, truyền thông qua các kênh thông tin đại chúng như các kênh truyền hình địa phương, báo chí địa phương, mạng xã hội”, ông Lê Tấn Thanh Tùng đề xuất.

Du khách nội địa tham quan tại Di tích thắng cảnh Ngũ Hành Sơn. Ảnh: SONG KHUÊ

Du khách nội địa tham quan tại Di tích thắng cảnh Ngũ Hành Sơn. Ảnh: SONG KHUÊ

Để đáp ứng nhu cầu thực tế hiện nay, mới đây Sở Du lịch thành phố ban hành kế hoạch khai thác thị trường khách nội địa năm 2020; trong đó ưu tiên vào các tỉnh phía Bắc, phía Nam, khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Đông Bắc Bộ và Tây Nam Bộ...

Phó Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Xuân Bình cho hay, ở thời điểm hiện nay, ngành sẽ tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông, ứng dụng du lịch để quảng bá du lịch; phát huy hiệu quả các ứng dụng du lịch thông minh và các mạng xã hội để quảng bá thu hút khách; chú trọng phân khúc khách lẻ trong công tác truyền thông quảng bá cũng như xây dựng các chính sách giá và sản phẩm hấp dẫn tạo điều kiện cho khách đi du lịch sau mùa dịch...

Đối với thị trường khách miền Trung - Tây Nguyên, thành phố sẽ chú trọng vào sản phẩm du lịch biển, du lịch giải trí; đối với thị trường khách miền Bắc là du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch giải trí, du lịch trải nghiệm, hội thảo hội nghị, teambuilding; đối với thị trường miền Nam sẽ tập trung vào sản phẩm nghỉ dưỡng biển, giải trí và hội thảo hội nghị...

Ông Nguyễn Xuân Bình cho biết thêm, về lâu dài ngành sẽ thực hiện nghiên cứu thị hiếu của khách du lịch nội địa năm 2020 để đề xuất các giải pháp tăng trưởng khách nội địa giai đoạn 2021-2025, nắm bắt lại nhu cầu thị hiếu của khách du lịch nội địa; đề xuất giải pháp cụ thể để phát triển thị trường, phân khúc thị trường khách theo vùng; xây dựng sản phẩm du lịch cụ thể gắn với phân khúc thị trường khách du lịch nội địa... Bên cạnh đó ngành duy trì các kênh truyền thông online, xây dựng các video giới thiệu về trải nghiệm ẩm thực, biển đảo, thiên nhiên, giải trí.... để quảng bá tới du khách.

Nguồn: Song Khuê (Theo baodanang.vn)