ĐÀ NẴNG: KIẾN NGHỊ KHÔNG HỒI TỐ ĐẤT ĐAI ĐÃ CẤP SỔ HỒNG

3 năm trước

Không hồi tố các vấn đề đất đai đã ký hợp đồng, cấp sổ hồng cho doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện thúc đẩy kinh doanh, hồi phục kinh tế.

Chiều 1-10, tại Đà Nẵng diễn ra Hội thảo và Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống ngành quản lý đất đai Việt Nam (3/10/1945 - 3/10/2020). Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến đề xuất, kiến nghị tháo gỡ các vướng mắc về đất đai tại Đà Nẵng.

Đà Nẵng: Kiến nghị không hồi tố đất đai đã cấp sổ hồng - ảnh 1

Sau đại dịch COVID-19, giá đất tại Đà Nẵng đã giảm và còn có thể giảm sâu trong thời gian tới. Ảnh: TẤN VIỆT

Đề nghị ban hành bảng giá đất mới

Ông Lê Minh Phúc, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP Đà Nẵng, đề nghị Sở TN&MT TP kiến nghị Bộ TN&MT, Chính phủ và Quốc hội khẩn trương sửa đổi Luật đất đai để tháo gỡ các bất cập hiện hữu.

Việc sửa đổi này cần thực hiện càng sớm càng tốt để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ, du lịch, bất động sản và các ngành bị ảnh hưởng nặng do COVID-19 có thể phục hồi.

Ông Phúc cũng kiến nghị không hồi tố các vấn đề đất đai đã ký hợp đồng, cấp sổ hồng cho DN nhằm tạo điều kiện thúc đẩy kinh doanh, hồi phục kinh tế.

Liên quan đến nội dung chuyển từ đất ở sang đất thương mại, ông Phúc cho rằng cần xem xét về giá trị chuyển đổi. Lý do là khi mua đất ở với giá cao nhưng khi chuyển đổi thì giá trị rất thấp.

“Hiện nay quy định không được phép kinh doanh trên đất ở gây nhiều khó khăn cho DN vì không tận dụng được nguồn đất để xây dựng văn phòng kinh doanh. Trong khi đó, Việt Nam chưa có quy hoạch về khu vực đất ở và khu vực đất thương mại” – ông Phúc nói.

Cũng theo ông Phúc, sau đại dịch COVID-19, giá đất tại Đà Nẵng đã giảm và còn có thể giảm sâu trong thời gian tới.

“Đề nghị TP khẩn trương khảo sát, nghiên cứu ban hành giá đất mới ở một số tuyến đường cho phù hợp với xu thế, thị trường để người dân và DN có cơ hội tiếp cận” – ông Phúc đề nghị.

Đà Nẵng: Kiến nghị không hồi tố đất đai đã cấp sổ hồng - ảnh 2

Tổng nguồn thu từ đất giai đoạn 1997-2019 tại Đà Nẵng đạt hơn 51.500 tỉ đồng. Ảnh: TẤN VIỆT

8 giải pháp đột phá nguồn lực đất đai

Tại hội thảo, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng, đề ra tám giải pháp để Đà Nẵng thực sự đưa đất đai trở thành một nguồn lực quan trọng trong sự phát triển của TP.

Cụ thể, trên cơ sở Kết luận 2852 của Thanh tra Chính phủ, Đà Nẵng cần tiếp tục kiến nghị Thủ tướng dừng rà soát, xử lý đối với các trường hợp đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, đã được cấp sổ hồng.

 

Việc này nhằm tạo điều kiện giải phóng nguồn lực từ hàng trăm dự án và các khu đất trên địa bàn TP để phát triển sản xuất, kinh doanh, không để lãng phí...

Cũng theo ông Hùng, Đà Nẵng cần tập trung công tác thẩm định, xác định giá đất cụ thể của các dự án. Tăng cường cán bộ làm công tác thẩm định gắn với việc sàng lọc, lựa chọn các đơn vị thẩm định giá có năng lực, trách nhiệm.

Đẩy mạnh cải cách hành chính về đất đai trên cơ sở hiện đại hóa nền hành chính. Cụ thể là hoàn thiện hồ sơ địa chính số và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai tập trung.

TP tổng rà soát tất cả trường hợp thuê đất theo hiện trạng và toàn bộ diện tích đất công Nhà nước đang quản lý. Xây dựng phần mềm chuyên đề để quản lý một cách chặt chẽ, đảm bảo việc sử dụng đất một cách tiết kiệm, hiệu quả.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý và sử dụng đất. Xử lý việc gia hạn nhằm siết chặt hơn công tác quản lý, tạo “sức ép” cần thiết để các chủ sử dụng đất sớm triển khai dự án, tránh việc đầu cơ đất đai và đảm bảo đưa đất vào sử dụng theo đúng quy định.

Các đơn vị đẩy nhanh công tác đền bù giải tỏa, giải phóng mặt bằng phục vụ thi công các dự án, nhất là các dự án động lực, trọng điểm, phục vụ thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội TP.

Về công tác cán bộ, cần tập trung nâng cao năng lực và kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước về đất đai.

“Quá trình rà soát công tác cán bộ, chúng tôi sẵn sàng loại bỏ các cá nhân sai phạm, quyết liệt xử lý các cán bộ có biểu hiện tiêu cực, thiếu trách nhiệm trong quá trình xử lý hồ sơ gây bức xúc cho người dân và DN” - ông Hùng nhấn mạnh.

Cuối cùng, ông Hùng cho rằng để xử lý được các tồn tại về đất đai hiện nay cần có sự vào cuộc của cả hệ thống trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai.

 

Theo Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng, tổng nguồn thu từ đất giai đoạn 1997-2019 tại Đà Nẵng đạt hơn 51.500 tỉ đồng.

Đà Nẵng hiện có 227,27 km2 đất xây dựng đô thị. Trong diện tích đất có thể phát triển ở Đà Nẵng, phần lớn đất đã được phát triển hoặc có quy hoạch, kế hoạch phát triển.

Đà Nẵng chỉ còn 18,8% tổng diện tích đất liền là đất trống có thể phát triển trong tương lai. Phần lớn diện tích đất trống này nằm ở phía Nam và phía Tây Nam TP.

Nguồn: Tần Việt (Theo plo.vn)