ĐÀ NẴNG: Không ngừng đầu tư, đổi mới ngành y tế

6 năm trước

Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 16-10-2003 về “Xây dựng và phát triển Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” có nêu một trong những nhiệm vụ của thành phố là “quan tâm phát triển văn hóa-xã hội, y tế, tiếp tục giảm nghèo và nâng cao đời sống nhân dân, giải quyết các vấn đề bức xúc về xã hội và môi trường sinh thái, bảo đảm cho sự phát triển bền vững của thành phố”.

Ngành y tế thành phố định hướng phát triển theo phương châm “đa khoa mạnh, chuyên khoa sâu, hội nhập khu vực”.  Trong ảnh: Các bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng thực hiện ca ghép tế bào gốc điều trị chấn thương tủy sống.
Ngành y tế thành phố định hướng phát triển theo phương châm “đa khoa mạnh, chuyên khoa sâu, hội nhập khu vực”. Trong ảnh: Các bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng thực hiện ca ghép tế bào gốc điều trị chấn thương tủy sống.

Trên cơ sở đó, từ năm 2003 đến nay, ngành y tế thành phố nỗ lực đẩy mạnh sự nghiệp phát triển y tế theo hướng chuyên sâu, cùng với hoàn thiện mạng lưới y tế phổ cập, bảo đảm nhu cầu bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế thành phố cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị mà ngành y tế thực hiện thời gian qua là thực hiện phương châm “đa khoa mạnh, chuyên khoa sâu và hội nhập khu vực”.

Các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế từng bước lớn mạnh, đáp ứng nhu cầu của người dân trong lĩnh vực điều trị. Các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) tiếp tục được củng cố và hoàn thiện từ thành phố đến các quận, huyện, phường, xã.

Bệnh viện công lập và bệnh viện ngoài công lập phối hợp chặt chẽ trong việc thu dung điều trị bệnh nhân. Cơ sở vật chất các bệnh viện luôn được đầu tư nâng cấp, mở rộng; nhiều thiết bị y tế tiên tiến được trang bị; từng bước nâng cao trình độ chuyên môn, chất lượng, góp phần tăng cường năng lực và hiệu quả trong công tác KCB trên địa bàn thành phố.

Mạng lưới y tế thành phố không ngừng được củng cố và hoàn thiện với 29 đơn vị y tế trực thuộc, gồm 8 bệnh viện tuyến thành phố và chuyên khoa; 14 đơn vị y tế không giường bệnh; 7 trung tâm y tế quận, huyện và 56 trạm y tế xã, phường với tổng số 5.762 giường bệnh.  

Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn có 5 bệnh viện thuộc bộ, ngành Trung ương, quân đội với 1.490 giường bệnh; 8 bệnh viện tư nhân với 1.146 giường bệnh và 1.610 cơ sở hành nghề y tế tư nhân.

Để đáp ứng nhu cầu KCB phục vụ người dân thành phố và các địa phương lân cận, các cơ sở y tế đã tập trung triển khai nhiều kỹ thuật chuyên sâu. Bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, tuy là bệnh viện hạng 1 trực thuộc thành phố nhưng đơn vị này mang sứ mệnh là “bệnh viện khu vực” khi 30-40% số bệnh nhân đến điều trị là người ngoại tỉnh. “Chúng tôi đã chủ động đào tạo, hợp tác để triển khai nhiều kỹ thuật y tế chuyên sâu.

Đến nay, một số kỹ thuật y tế hiện đại được ứng dụng thành công tại Bệnh viện Đà Nẵng như ghép tế bào gốc điều trị chấn thương tủy sống, ghép thận, thực hiện kỹ thuật solitaire (lấy huyết khối) trong điều trị nhồi máu não cấp tính, ECMO, kỹ thuật thẩm tách siêu lọc máu, phẫu thuật tim mở cho trẻ có cân nặng dưới 5 kg, sử dụng dây chằng nhân tạo trong phẫu thuật van 2 lá, phẫu thuật nội soi cắt dạ dày, phẫu thuật tạo hình ống sống trong điều trị hẹp ống sống cổ, mổ bắc cầu động mạch trong và ngoài sọ đối với bệnh lý mạch máu thần kinh sọ não…

Nhiều kỹ thuật được đánh giá là khó và mới không chỉ trong nước mà còn trên toàn thế giới”, bác sĩ Nhân thông tin thêm.

Tương tự, Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng cũng đã triển khai nhiều kỹ thuật mới như: thụ tinh trong ống nghiệm, chăm sóc thiết yếu sơ sinh sớm da kề da, góp phần quan trọng vào việc giảm tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh…

“Bên cạnh đó, các trung tâm y tế quận, huyện cũng đã triển khai nhiều kỹ thuật y tế tiên tiến trong khám và điều trị như: kỹ thuật mổ phaco, mổ nội soi tai - mũi - họng, phẫu thuật nội soi ruột thừa viêm, u xơ tiền liệt tuyến, mổ chấn thương, chụp CT, điện tim gắng sức… Điều này đã góp phần giảm tải cho tuyến trên, đặc biệt khi triển khai thông tuyến KCB BHYT”, bà Ngô Thị Kim Yến cho biết.

Tính đến năm 2017, tổng số bệnh nhân KCB ở các bệnh viện là 3,7 triệu lượt người, gấp 3,5 lần so với tổng dân số thành phố. Trong đó, số bệnh nhân điều trị nội trú hơn 416.000 lượt người và hơn 376.000 trong số này là đối tượng BHYT, chiếm 90,47%. Số bệnh nhân ngoại tỉnh tại các bệnh viện chiếm 30%-40%.

Công suất sử dụng giường bệnh tại các bệnh viện tuyến thành phố đạt 151,61%, tại các trung tâm y tế quận, huyện đạt 117,16%. Công suất sử dụng giường bệnh ở các bệnh viện ngoài công lập đạt 89,24%.

Các bệnh viện cũng đã tập trung củng cố hệ thống quản lý chất lượng bệnh viện theo Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam ban hành theo Quyết định số 6858/QĐ-BYT ngày 18-11-2016 của Bộ Y tế.

Các bệnh viện đã thành lập phòng (hoặc tổ) công tác xã hội tăng cường công tác tiếp đón, hướng dẫn, tư vấn, chăm sóc người bệnh góp phần nâng cao chất lượng phục vụ và đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.

Qua kiểm tra đánh giá sự hài lòng của bệnh nhân vào cuối năm 2017 cho thấy, sự đáp ứng của bệnh viện so với mong đợi của người bệnh đạt tỷ lệ khá cao (khu vực nội trú đạt 94,85% và khu vực ngoại trú đạt 90,27%).

Thời gian tới, ngành y tế thành phố tiếp tục đặt ra các mục tiêu, trong đó nâng cao chất lượng dịch vụ KCB và phục hồi chức năng ở tất cả các tuyến; tăng cường phối hợp công tư, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người dân.

Đối với lĩnh vực y tế dự phòng và an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), ngành tập trung khâu tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu, nắm được và chủ động thực hiện tốt các biện pháp tự phòng, chống bệnh dịch.

Các địa phương chủ động giám sát dịch để phát hiện sớm các nguy cơ ô nhiễm và bệnh dịch, dự phòng thuốc, hóa chất để chủ động phòng, chống dịch bệnh, không để dịch bệnh lớn xảy ra. Song song đó, chủ động phòng ngừa và khắc phục hậu quả về y tế sau thiên tai, thảm hoạ nếu có, khống chế và đẩy lùi các bệnh dịch mới phát sinh; không ngừng củng cố và tăng cường năng lực hoạt động của mạng lưới y tế dự phòng các quận, huyện, bảo đảm phát triển đồng bộ và phối hợp có hiệu quả trong các mặt hoạt động.

Các cơ sở y tế tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ KCB tại các tuyến điều trị, phát triển các dịch vụ y tế chuyên sâu, dịch vụ y tế kỹ thuật cao, hiện đại trên địa bàn thành phố; tiếp tục củng cố và hoàn thiện mạng lưới trạm y tế xã, trung tâm y tế huyện, phấn đấu 100% xã có trạm y tế phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội và nhu cầu KCB từng vùng; bảo đảm duy trì 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020; tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, thực hiện tốt việc KCB BHYT, tổ chức khám, sơ cứu kịp thời cho nhân dân các địa phương...

 “Năm 2018, nhiều cơ sở y tế bắt đầu đổi mới cơ chế hoạt động, tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập.

Ngành y tế yêu cầu các đơn vị từng bước thực hiện cơ chế phù hợp với tình hình của đơn vị, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, biên chế và tài chính, tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên theo lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước (theo Điều 10 Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14-2-2015 của Chính phủ)”, bà Ngô Thị Kim Yến cho biết thêm.

Bài và ảnh: PHAN CHUNG - BAODANANG.VN