ĐÀ NẴNG: HỢP THỬA ĐẤT TÁI ĐỊNH CƯ THÀNH CÁC LÔ LỚN KÊU GỌI ĐẦU TƯ

5 năm trước

Đà Nẵng yêu cầu triển khai hiệu quả việc hợp thửa các lô đất tái định cư (TĐC) thành các lô đất lớn và công khai quỹ đất để kêu gọi, xúc tiến đầu tư.

Lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng vừa ban hành văn bản 5213/UBND-ĐTĐT (ngày 2/8) triển khai ý kiến kết luận của Thường trực Thành ủy về việc quy hoạch, đầu tư các dự án trên địa bàn TP.

Theo đó, UBND TP Đà Nẵng giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với Sở TN-MT, UBND các quận huyện và các đơn vị liên quan triển khai có hiệu quả việc hợp thửa các lô đất tái định cư (TĐC) thành các lô đất lớn và công khai quỹ đất để kêu gọi, xúc tiến đầu tư, báo cáo UBND TP xem xét, quyết định trong tháng 8/2019.

Đà Nẵng: Hợp thửa đất tái định cư thành các lô lớn để kêu gọi đầu tư - Ảnh 1.

UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo hợp thửa các lô đất tái định cư thành các lô đất lớn và công khai quỹ đất để kêu gọi, xúc tiến đầu tư (Ảnh: HC)

Các quận huyện, đơn vị hữu quan được yêu cầu khẩn trương nghiên cứu đề xuất chủ trương đầu tư cải tạo, nâng cấp chỉnh trang, tái thiết các khu đô thị, khu dân cư cũ, xuống cấp không đảm bảo điều kiện về an toàn, mỹ quan, giao thông, thoát nước, vệ sinh môi trường, PCCC. Tổ chức rà soát quy hoạch phát triển không gian đô thị trên địa bàn quận Sơn Trà, báo cáo UBND TP xem xét quyết định trong tháng 8/2019.

Đồng thời, xây dựng kế hoạch khảo sát, lộ trình cải tạo, di dời các khu chung cư, nhà tập thể xuống cấp trên địa bàn TP, nhất là khu vực trung tâm đi đôi với phương án, lộ trình đầu tư xây dựng các khu chung cư mới để bố trí tái định cư theo nguyên tắc không tăng dân số và không phá vỡ quy hoạch, hướng đến xây dựng đô thị nén, kiểu mẫu, báo cáo UBND TP làm cơ sở báo cáo Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy vào đầu tháng 9/2019.

UBND TP Đà Nẵng cũng yêu cầu các quận huyện tập trung đẩy mạnh đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB); thường xuyên kiểm tra đánh giá trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu, Chủ tịch Hội đồng GPMB trong phân cấp, phân quyền đền bù giải tỏa. Kịp thời đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hoặc điều chỉnh, loại các công trình dự án không có tiến triển về đền bù thi công, kịp thời bổ sung dự án khác thay thế để đôn đốc, chỉ đạo; nhất là công trình ảnh hưởng trực tiếp đời sống dân sinh như xử lý ô nhiễm môi trường, cung cấp nước sạch, hạ tầng giao thông.

Trước đó, tại Hội nghị chuyên đề về GPMB bằng các dự án trên địa bàn TP do Ban Thường vụ Thành ủy tổ chức chiều 29/7, Sở TN-MT Đà Nẵng cho biết, hiện quỹ đất TĐC đã có thực tế còn lại chưa bố trí mà Trung tâm Phát triển quỹ đất TP đang quản lý là 12.354 lô, nâng tổng cộng số lô đất còn lại chưa bố trí là 15.314 lô. Trong khi đó, các quận huyện vẫn còn nợ 359 lô đất TĐC đối với các hộ giải tỏa đã bàn giao mặt bằng.

Giải thích về nguyên nhân nợ đất TĐC của dân trong khi thừa quỹ đất nhiều, Sở TN-MT Đà Nẵng cho rằng, quỹ đất TĐC trên địa bàn toàn TP còn thừa nhưng tập trung chủ yếu mặt cắt đường lớn và lô đất có vị trí mặt tiền. Các lô đất có mặt cắt đường 7,5m trở xuống đang thiếu cục bộ tại một số dự án.

“Quỹ đất TĐC nơi thừa, nơi thiếu, một số dự án không có quỹ đất gần khu vực giải tỏa nên phải bố trí tại các khu vực khác, dẫn đến người dân không đồng thuận, phải liên tục điều chỉnh bổ sung phương án!” – Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng cho hay.

Trước tình hình số lượng đất TĐC chưa bố trí còn quá nhiều, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa yêu cầu cần phải có cách làm khác. Cần xem xét lại quỹ đất phục vụ TĐC; thay vì nhiều dự án nhỏ lẻ thì nên quy hoạch 1 khu đô thị phục vụ TĐC cho người dân; phải minh bạch các dự án, các lô đất TĐC; phải chuẩn bị quỹ đất TĐC trước khi triển khai dự án.

Phải xác định rõ việc xây dựng các khu TĐC là dành cho các hộ bị giải tỏa nên có thể bố trí đất TĐC cho người dân bị giải tỏa từ dự án này sang khu vực dự án khác. Như vậy không phải dự án nào cũng phải có một khu TĐC riêng của dự án đó.

Ông Trương Quang Nghĩa cũng nhấn mạnh việc cần đổi mới tư duy về cách thức thực hiện các phương án bồi thường GPMB, nên tính toán lại và quy ra giá trị bằng tiền để người dân có thêm sự chọn lựa thay vì như cách làm hiện nay là số lô đất TĐC dẫn đến sự bất hợp lý, thiếu công bằng trong bồi thường.

Nguồn: Hải Châu (Theo Infonet)