ĐÀ NẴNG: GIAN NAN ĐƯỜNG TỚI ĐÔ THỊ SINH THÁI

5 năm trước

Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị xá.c định mục tiêu tới năm 2045 Đà Nẵng trở thành đô thị sinh thái

Muốn làm được việc đó, trước tiên Đà Nẵng phải cán đích đề án TP môi trường vào năm 2025. Nhưng, đầu tư cho môi trường đòi hỏi nguồn lực rất lớn, TP sẽ giải quyết bài toán này thế nào?

Việc qui hoạch không tuân thủ quy định bảo vệ môi trường khi khu đô thị được xây cách khu công nghiệp Hòa Khánh chỉ một con đường thì rất khó đề xây dựng TP môi trường.

Nhiều trở ngại

Muốn phát triển bền vững, ngoài việc phải qui hoạch các khu vực mới như Hòa Vang đủ tầm chiến lược dài hơi, Đà Nẵng cũng phải dành nguồn lực rất lớn để giải tỏa những áp lực về quá tải hạ tầng, môi trường do hệ lụy của một thời kỳ phát triển quá “nóng” để lại. Trong đó, các công trình, dự án về môi trường luôn đòi hỏi nguồn lực đầu tư rất lớn. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng Tô Văn Hùng nhìn nhận, ngân sách đầu tư cho môi trường 10 năm qua rất lớn, tỷ lệ chi tăng 36% so với giai đoạn 2015-2019. Ngoài ra, sau 10 năm thực hiện Đề án TP môi trường thì nhận thức của người dân đã thay đổi lớn. Công tác bảo vệ môi trường được truyền tải tới từng người dân, từng tổ chức, được thực hiện thường xuyên. 7/10 tiêu chí của đề án TP môi trường Đà Nẵng đã đạt được.

 

Tuy vậy, quá trình phát triển luôn đặt ra các vấn đề phát sinh, tồn tại, khó khăn. Để giải quyết những tồn tại này, đòi hỏi phải có giải pháp mang tính tổng thể. Chẳng hạn việc qui hoạch mà không tuân thủ đầy đủ quy chuẩn về bảo vệ môi trường thì để đảm bảo vấn đề môi trường rất khó. Rất nhiều các KCN hiện nay, khoảng cách ly theo qui định 500m hay 1.000m nhưng thực tế nhiều khu dân cư cách KCN khoảng 100-200m. Hoặc việc đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật thiếu đồng bộ. Ví dụ qui định ở khu đô thị hiện đại hệ thống thoát nước phải là hệ thống thoát nước riêng (thu nước mưa riêng, nước thải sinh hoạt riêng) nhưng thực tế hầu hết các khu đô thị TP xây dựng thời gian qua đều là thu nước chung. Từ đây đặt ra câu chuyện đảm bảo chỉ tiêu xử lý thoát nước 100% đạt tiêu chuẩn, có nghĩa là vừa xử lý nước thải sinh hoạt, vừa xử lý nước mưa, cái này gần như không thể thực hiện được.

 

Cũng theo ông Hùng, trong công tác dự báo qui hoạch hiện TP thiếu tính dài hạn. Đơn cử như dự án thu gom nước thải ven biển TP đang đầu tư, nhưng tới thời điểm này thì gần như tất cả các hệ thống này đều không đảm bảo được nhu cầu thực tế. Một trở ngại khác là năng lực quản lý theo ông Hùng rất hạn chế, đặc biệt nguồn lực để TP kiểm tra, giám sát sau khi cấp phép thì gần như không thể làm được việc này.

Kinh phí từ đâu?

Hiện nay ngân sách Đà Nẵng chi để bảo vệ môi trường chiếm hơn 1% (Cả nước có 50 tỉnh thành đảm bảo được chỉ tiêu này). Tuy nhiên, con số hơn 1% ngân sách (năm 2018 ngân sách Đà Nẵng thu hơn 26,5 ngàn tỷ đồng, hơn 1% chiếm hơn 265 tỷ đồng) để bảo vệ môi trường là rất nhỏ. Trong khi, một dự án môi trường phải chi số tiền từ vài trăm tới vài ngàn tỷ đồng. Chưa kể, để hướng tới mục tiêu TP sinh thái, đòi hỏi nguồn lực chi cho môi trường giai đoạn 2020-2025 phải rất lớn. Chẳng hạn riêng đầu tư hạ tầng kỹ thuật, xử lý rác, nước thải cần hơn 8.000 tỷ đồng. Hay TP phải đầu tư, trang bị hệ thống thoát nước, xử lý nước thải toàn bộ khu vực Hòa Vang hiện nay không có. Ông Tô Văn Hùng nói: “Ngân sách chi cho sự nghiệp môi trường phải tăng lên đáng kể. Hiện nay ước tính, giai đoạn 2020-2025 cần 2.900 tỷ đồng, so với giai đoạn 2015-2020 thì phải tăng 200%”.

 

Ngoài ra, chi phí phát sinh để đảm bảo công tác môi trường phải bù rất lớn. Đơn cử, hiện nay xử lý rác sinh hoạt khoảng 42 ngàn đồng/tấn, trong khi đó chi phí cần đảm bảo trên 500 ngàn đồng/tấn thì mới gọi là xử lý theo công nghệ hiện đại. Tương tự xử lý bùn thải, nước thải con số chi phí hiện rất nhỏ, muốn đảm bảo xử lý tiêu chuẩn cao, công nghệ hiện đại của đô thị sinh thái đòi hỏi nguồn tài chính rất lớn. Ông Hùng nói, TP thu phí xử lý nước thải chỉ 580 đồng/m3 trong khi đó chi phí thực tế phải bỏ ra hơn 2.800 đồng. Phí TP thu xử lý rác từ các hộ dân khoảng 15 ngàn đến 30 ngàn đồng, các cơ sở dịch vụ 265 ngàn đồng trong khi chi phí phải bỏ ra hơn 500 ngàn đồng/tấn.

 

Từ thực tế đó, để đảm bảo nguồn lực tài chính xây dựng TP môi trường, hướng tới TP sinh thái, theo ông Hùng, trước hết phải xây dựng qui định về nhiệm vụ chi bảo vệ môi trường để đảm bảo các mục tiêu chi dành cho môi trường ở các quận huyện. Với các dự án hạ tầng liên quan tới môi trường cần ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư sớm. Trong giai đoạn 2020-2025 trước yêu cầu mới thì chi ngân sách cho môi trường phải trên 2% tổng thu ngân sách của TP. Đặc biệt, ông Hùng cho rằng cần tăng nguồn thu phí bảo vệ môi trường để đảm bảo chi các hạng mục bảo vệ môi trường trên nguyên tắc lấy thu bù chi. Cuối cùng, cần có cơ chế chính sách để huy động được nguồn lực xã hội tăng cường xã hội hóa dịch vụ liên quan tới công tác bảo vệ môi trường.

 

Rõ ràng, để thực hiện thành công đề án TP môi trường, hướng tới đô thị sinh thái, việc cần kíp là Đà Nẵng cần tạo cơ chế, giải pháp hiệu quả khơi thông nguồn lực đầu tư cho các dự án môi trường.

Nguồn: Hải Quỳnh (Theo cadn.com.vn)