ĐÀ NẴNG - GIẤC MƠ "THÀNH PHỐ KHÔNG NGỦ"

4 năm trước

Theo các chuyên gia, muốn thắp sáng kinh tế đêm, Đà Nẵng cần bắt đầu từ việc hoàn thiện khung pháp lý, có chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này với những khu vui chơi, giải trí đẳng cấp, xứng tầm.

Đà Nẵng - Giấc mơ “thành phố không ngủ”

Đà Nẵng vốn được mệnh danh là thủ phủ du lịch nhưng thực tế việc phát triển kinh tế ban đêm vẫn đang là khoảng trống lớn, ảnh hưởng đến việc giữ chân và tăng mức chi tiêu của du khách tại địa phương này. 

Mặc dù TP. Đà Nẵng đã và đang nỗ lực tạo ra các sản phẩm vui chơi giải trí về đêm, nhưng hiện vẫn loay hoay tìm hướng phát triển. Khoảng từ 22 giờ là các tuyến phố ở khu vực trung tâm quận Hải Châu hay phố du lịch ở Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn đã bắt đầu tắt đèn, đi ngủ. Nhiều nhóm du khách cho biết, ban đêm ở Đà Nẵng, họ chỉ trải nghiệm dịch vụ đến 22 giờ ở các điểm như Helio, Chợ đêm Sơn Trà, hay một số quán bar nổi tiếng. Thành phố dường như đang lãng phí nguồn doanh thu “khủng” từ kinh tế ban đêm.

 Đà Nẵng - Giấc mơ “thành phố không ngủ”

Mặc dù TP. Đà Nẵng đã và đang nỗ lực tạo ra các sản phẩm vui chơi giải trí về đêm, nhưng hiện vẫn loay hoay tìm hướng phát triển.

Ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, để kích cầu du du lịch Đà Nẵng hậu Covid-19, việc gia tăng những sản phẩm, dịch vụ ban đêm có vai trò hết sức quan trọng trong việc duy trì sức hút cho điểm đến Đà Nẵng ngay cả trong mùa thấp điểm cũng như gia tăng chi tiêu của du khách.

"Về phát triển kinh tế đêm, đây là lĩnh vực mới đối với Đà Nẵng và thành phố đã bắt tay triển khai phát triển kinh tế đêm nhưng còn gặp nhiều khó khăn, nhìn chung kinh tế đêm hiện còn manh mún. Chúng tôi xác định cần phát triển kinh tế đêm để phát triển du lịch. Trước mắt sẽ tập trung đầu tư khu phố đêm An Thượng, phố đi bộ và chợ đêm Bạch Đằng, cầu Nguyễn Văn Trỗi. Thành phố sẽ cùng với các đơn vị liên quan nghiên cứu, lập chiến lược để nhanh chóng thắp sáng nền kinh tế ban đêm của Đà Nẵng”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh nói.

Theo bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, sau dịch Covid- 19, xu hướng lựa chọn điểm du lịch có yêu cầu cao hơn về mức độ an toàn, chất lượng của điểm đến cũng như sự hấp dẫn các sản phẩm du lịch. Đối với thị trường khách nội địa, khảo sát của The Conference Board và Niesel cho thấy, 43% tiền nhàn rỗi của người tiêu dùng Việt Nam được sử dụng cho mục đích giải trí. Trong đó, tiêu dùng cho giải trí nhiều nhất đến từ bộ phận giới trẻ trung lưu hoặc các gia đình trung lưu trở lên. Do đó, việc phát triển các dịch vụ vui chơi, giải trí đêm để đáp ứng nhu cầu du lịch trong nước cũng còn rất nhiều dư địa.

“Thành phố đã giao Sở Du lịch chủ trì nghiên cứu xây dựng phát triển kinh tế về đêm trong lĩnh vực du lịch, đồng thời đề xuất cơ chế thí điểm đối với 3 loại hình dịch vụ, gồm: Ẩm thực, mua sắm và vui chơi giải trí”, bà Hạnh nói.

Đà Nẵng - Giấc mơ “thành phố không ngủ”

Để kích cầu du lịch Đà Nẵng hậu Covid-19, việc gia tăng những sản phẩm, dịch vụ ban đêm có vai trò hết sức quan trọng, góp phần duy trì sức hút cho điểm đến Đà Nẵng ngay cả trong mùa thấp điểm cũng như gia tăng chi tiêu của du khách.

“Tới đây, nếu có thêm sản phẩm du lịch về đêm thì tôi chắc rằng Đà Nẵng sẽ còn đón nhiều du khách hơn và hàng không có nhiều cơ hội tăng chuyến hơn nữa”, ông Vũ Anh Tuấn nhấn mạnh.

Đà Nẵng là thị trường số 1 đối với du lịch nội địa. Còn đối với khách du lịch quốc tế, thị trường này cũng đang tăng trưởng rất tốt.

Trong kịch bản hồi phục hậu dịch bệnh Covid-19, nhiều chuyên gia nhận định, ngành du lịch Đà Nẵng cần tạo ra nhiều hơn nữa cơ hội cho du khách “được tiêu tiền” thông qua những trải nghiệm mới giúp tăng thời gian lưu trú và mức chi tiêu mỗi ngày của khách du lịch.

Điều kiện "vàng" cho Đà Nẵng là trên địa bàn đang có sự hiện diện của nhiều doanh nghiệp lớn làm du lịch như Sun Group, Vingroup…, nên có thể thu hút ngay các doanh nghiệp này "đầu quân" vào kinh tế ban đêm. Với kinh nghiệm sẵn có, các doanh nghiệp du lịch lớn sẽ biết cách tạo nên chuỗi dịch vụ đêm đa dạng, đẳng cấp.

Đà Nẵng - Giấc mơ “thành phố không ngủ”

Đà Nẵng - Giấc mơ “thành phố không ngủ”

Đà Nẵng - Giấc mơ “thành phố không ngủ”

Các hoạt động dịch vụ đêm tại Công viên châu Á - Asia Park.

Công ty CP Tập đoàn Sun World (thuộc Tập đoàn Sun Group) đã tiên phong phát triển những sản phẩm, dịch vụ vui chơi giải trí về đêm tại các điểm đến do Sun Group vận hành trên địa bàn Đà Nẵng như Sun World Ba Na Hills, Công viên Châu Á, SKY36. Với các sản phẩm và dịch vụ vui chơi giải trí về đêm mới mẻ và độc đáo này, du lịch Đà Nẵng sẽ có thêm lợi thế để nâng cao năng lực cạnh tranh so với những điểm đến khác trong cuộc đua kích cầu hiện tại, đồng thời, góp phần gia tăng nhiều trải nghiệm mới khác lạ, giúp kéo dài thời gian lưu trú và kích thích mua sắm của du khách đến Đà Nẵng.

Tuy vậy, theo đại diện Sun World, việc phát triển kinh tế ban đêm ở Đà Nẵng mới chỉ là bắt đầu, doanh nghiệp mong muốn có thêm sự hỗ trợ, đặc biệt là sự minh bạch về thủ tục, pháp lý, cho phép kéo dài thời gian hoạt động về đêm ở các khu vui chơi, giải trí đêm đồng thời cần tuyên truyền cho người dân hiểu về lợi ích của việc phát triển kinh tế ban đêm; tăng cường sự quản lý để đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách.

Khi các sản phẩm dịch vụ vui chơi, giải trí đêm khiến khách hàng hài lòng họ sẽ tiêu tiền nhiều hơn, dành nhiều thời gian để trải nghiệm, khám phá. Và kết quả là doanh nghiệp kinh doanh, ngành du lịch được hưởng, người dân cũng sẽ nhận được các tác động tích cực từ việc gia tăng chi tiêu của du khách. Thêm vào đó là Nhà nước có thể thu thuế nhiều hơn. Rõ ràng, khi ta làm tốt câu chuyện phát triển kinh tế đêm thì cả bốn chủ thể nói trên, bao gồm: Doanh nghiệp, người dân, ngành du lịch và Nhà nước đều được lợi. 

Nguồn: Minh Minh (Theo reatimes.vn)