ĐÀ NẴNG ĐÓN ĐẦU XU HƯỚNG TÀI CHÍNH SỐ

2 năm trước

Ông Trần Phước Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng là một trong những đô thị tại Việt Nam có công nghệ thông tin khá phát triển. Đây là một trong những yếu tố tiền đề để các hoạt động công nghệ tài chính, công nghệ số trong lĩnh vực tài chính phát triển.

Thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng

Tại hội thảo "Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính ngân hàng", do Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng tổ chức vào sáng 10/5, ông Trần Phước Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, chuyển đổi số mở ra cơ hội chưa từng có cho các quốc gia và các địa phương, giúp Chính phủ hoạt động hiệu quả, hiệu lực hơn, minh bạch hơn.

Đối với Đà Nẵng, Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị đã xác định mục tiêu đến năm 2030 “Xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính...”; “Hoàn thành xây dựng đô thị thông minh, kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN”.

Trên cơ sở đó, TP. Đà Nẵng đã ban hành các chính sách quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi số. Trong đó, đề án “Chuyển đổi số trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được xác định là một trong các dự án mang tính “động lực” cho phát triển thành phố.

“Trên lĩnh vực tài chính - ngân hàng, thương mại điện tử, đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2025 tối thiểu 90% doanh nghiệp có tài khoản thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử; tối thiểu 50% dân số tham gia các hoạt động mua sắm trực tuyến; doanh số thương mại điện tử chiếm ít nhất 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của thành phố”, ông Sơn thông tin.

Tran-Phuoc-Son

Ông Trần Phước Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng phát biểu tại hội thảo.

Theo ông Sơn, Đà Nẵng là một trong những đô thị tại Việt Nam có công nghệ thông tin khá phát triển. Đây là một trong những yếu tố tiền đề để các hoạt động công nghệ tài chính, công nghệ số trong lĩnh vực tài chính phát triển. Hiện tại, doanh nghiệp công nghệ số ở Đà Nẵng đã phát triển khá mạnh mẽ và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế địa phương.

Bên cạnh đó, thành phố có môi trường chính sách thuận lợi cho phát triển công nghệ thông tin - truyền thông và nguồn nhân lực công nghệ thông tin dồi dào, tạo cơ hội cho việc nghiên cứu phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

“Hội thảo về chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính là một hoạt động rất cần thiết và có ý nghĩa giúp TP. Đà Nẵng có thêm các tham vấn của các chuyên gia, các nhà khoa học trong quá trình cụ thể hóa các chủ trương chính sách lớn của thành phố trong giai đoạn sắp đến, trong đó có việc hoàn thiện Đề án “Xây dựng trung tâm tài chính khu vực”, ông Sơn nói.

Ông Trần Ngọc Thạnh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. Đà Nẵng cho biết, đề án chuyển đổi số TP. Đà Nẵng đặt ra 11 nhóm với 130 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Trong đó các nhiệm vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng, thương mại gồm: Triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025; triển khai các chính sách, hạ tầng, nền tảng tài chính số (Fintech) để phục vụ việc hình thành, hoạt động của trung tâm tài chính quy mô khu vực. 

hoi-thao

Hội thảo "Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính ngân hàng" do Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng tổ chức.

Cùng với đó, hỗ trợ thúc đẩy dịch vụ thanh toán điện tử không thông qua tài khoản ngân hàng (Mobile Money) để phổ cập, cung cấp khả năng tiếp cận dịch vụ thanh toán điện tử một cách rộng rãi tới tất cả người dân; thúc đẩy thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt tại 100% chợ, trường học, bệnh viện trên địa bàn thành phố; hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử, bảo đảm đến hết năm 2022 có 100% tổ chức, doanh nghiệp sử dụng…

"Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng ở Đà Nẵng hướng đến việc quản lý và cấp phát ngân sách. Các ngân hàng thương mại cung cấp dịch vụ ngân hàng số theo hướng phát triển đa dạng các kênh phân phối, đổi mới sáng tạo, tự động hóa quy trình. Thúc đẩy hợp tác với các công ty công nghệ tài chính và trung gian thành toán trong việc xây dựng hệ sinh thái hệ thống dịch vụ tài chính ngân hàng để thúc đẩy phổ cập tài chính quốc gia. Đưa dịch vụ tài chính – ngân hàng đến gần hơn những đối tượng vùng sâu, vùng xa", ông Thạch cho hay.

Theo ông Thạch, Đà Nẵng hiện đã triển khai phủ sóng 100% mạng 3G, 4G; từ cuối năm 2021 bắt đầu triển khai dịch vụ mạng 5G. Hiện có 44.000 nhân lực công nghệ thông tin. Đồng thời thành phố có 276 thuê bao di động/100 dân, 99,8% hộ gia đình có kết nối Internet. Toàn thành phố hiện có 2,15 triệu tài khoảng mạng xã hội - trung bình 2 tài khoản/người. 

Đề xuất nhiều cơ chế thử nghiệm

Tại hội thảo, TS. Huỳnh Huy Hòa, Viện Trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng cho biết, thời gian gần đây sự hình thành và phát triển của số lượng lớn các công ty Fintech tham gia vào nhiều mảng hoạt động tại thị trường Việt Nam. Trong đó, các doanh nghiệp phát triển theo hướng hợp tác, trở thành đối tác với các tổ chức tài chính truyền thống, phát triển cộng sinh, đôi bên cùng có lợi. Tuy nhiên, hiện Việt Nam chưa có một khung phát toàn diện hoặc quy định pháp lý cụ thể để điều chỉnh các mảng, lĩnh vực hoạt động của các công ty Fintech.

Theo ông Hòa, đề án xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực hiện đang trình Chính phủ đã đề xuất một số cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với hoạt động Fintech được kỳ vọng sẽ tạo thành nền tảng để thúc đẩy Đà Nẵng trở thành một trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính của quốc gia và khu vực.

Các cấu phần chính của trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng gồm: Trung tâm tài chính offshore (Tập trung thu hút các nhà đầu tư quốc tế để thành lập các định chế tài chính và tổ chức thị trường cung cấp các dịch vụ offshore tài chính mang tính tích hợp dịch vụ trên thị trường tiền tệ và thị trường vốn trong nước và khu vực).

Tiếp theo là Trung tâm Fintech (Ứng dụng công nghệ trong cung cấp dịch vụ tài chính theo cơ chế cấp phép đặc thù của trung tâm tài chính, kết nối dịch vụ Fintech và tài trợ các startups trong các lĩnh vực kinh doanh khác).

Cuối cùng, các hoạt động phụ trợ phục vụ cho động tài chính trong trung tâm tài chính và các dịch vụ tiện ích vui chơi giải trí cao cấp.

“Đối với hoạt động Fintech tại Đà Nẵng, đã xuất hiện các dự án nền tảng trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Fintech như Học viện đào tạo và nghiên cứu công nghệ Fintech & Blockchain (DFAR), Trung tâm giải pháp Blockchain châu Á. Dự kiến Đà Nẵng sẽ sử dụng Khu công viên phần mền số 2 để thu hút các tổ chức, các startup Fintech trong nước và quốc tế. Cùng với đó, Đại học kinh tế - Đại học Đà nẵng đang tích cực trong việc đẩy mạnh đổi mới các khóa đào tạo, hình thành ngành học Fintech”, ông Hòa cho hay.

Theo ông Hòa, Trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng đề xuất cho phép được tiếp nhận, cấp, giám sát và thu hồi Giấy chứng nhận tham gia cơ chế thử nghiệm Fintech đối với các tổ chức thử nghiệm áp dụng các sản phẩm công nghệ tài chính hoạt động tại Đà Nẵng.

Ngoài ra, hưởng các cơ chế ưu đãi khác về thuế, thị thực lao động nước ngoài, thực hiện các cam kết về sở hữu trí tuệ và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở cấp độ cao.

Nguồn: Thành Vân (Theo nhadautu.vn)