ĐÀ NẴNG: ĐẦU TƯ BẤT ĐỘNG SẢN CÔNG NGHIỆP

3 năm trước

Năm 2021, cùng với sự phục hồi của nền kinh tế và nguồn thu hút đầu tư trong và ngoài nước, nhu cầu bất động sản công nghiệp (đất, nhà xưởng) tăng mạnh. Tại thành phố, đã có sự chuẩn bị về quy hoạch và kêu gọi đầu tư hạ tầng sản xuất công nghiệp.

Khu vực phía tây thành phố được quy hoạch đầu tư phát triển mới các khu, cụm công nghiệp. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Khu vực phía tây thành phố được quy hoạch đầu tư phát triển mới các khu, cụm công nghiệp. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Theo đánh giá của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, hiện nay, Việt Nam có 260 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động và 75 KCN đang xây dựng. Tỷ lệ lấp đầy tại các KCN đạt bình quân hơn 70%; giá thuê nhà xưởng bình quân trên cả nước khoảng 60.000-80.000 đồng/m2 và giá mua đất KCN đã có hạ tầng giao động 3-5 triệu đồng/m2. Số lượng hồ sơ đề xuất nghiên cứu đầu tư xây dựng mới KCN năm 2020 cũng tăng mạnh so với các năm trước.

Hội Môi giới bất động sản Việt Nam dự báo, trong năm 2021, sự dịch chuyển sản xuất và lắp đặt hàng hóa từ khu vực ngoài tiếp tục chuyển hướng vào Việt Nam sẽ làm tăng nhu cầu sử dụng BĐS công nghiệp trong nước. Theo đó, nhiều KCN mới tiếp tục tham gia thị trường BĐS công nghiệp và hiện đang có nhiều dự án mới phát triển hạ tầng KCN được các cấp phê duyệt. Trong số các dự án, đồ án phát triển đề nghị phê duyệt, thành phố Đà Nẵng vừa được Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư điều chỉnh quy hoạch phát triển các KCN trên địa bàn thành phố Đà Nẵng theo Công văn số 158/TTg-CN ngày 4-2-2021.

Thành phố Đà Nẵng bổ sung KCN hỗ trợ Khu Công nghệ cao Đà Nẵng với quy mô diện tích 58,531ha vào quy hoạch phát triển các KCN. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND thành phố Đà Nẵng thực hiện đồng bộ việc quy hoạch, phát triển KCN với các công trình nhà ở, xã hội và văn hóa thể thao cho người lao động trong KCN; bảo đảm việc cung cấp hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ngoài hàng rào phục vụ cho hoạt động của KCN; yêu cầu các nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng quan tâm xây dựng các công trình nhà máy xử lý nước thải tập trung của các KCN trước khi đi vào hoạt động theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Đồng thời có giải pháp ổn định đời sống và xây dựng phương án hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề cho người dân bị thu hồi đất. Thủ tướng Chính phủ giao UBND thành phố Đà Nẵng chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các thủ tục để sớm đầu tư xây dựng sau khi các KCN được bổ sung vào quy hoạch phát triển KCN; xem xét, huy động các nguồn vốn để đầu tư, phát triển đồng bộ hạ tầng KCN theo đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng và phù hợp với quy định của pháp luật; bảo đảm hiệu quả sử dụng nguồn lực đất đai và thu hút đầu tư.

Sở Công thương cho biết, ngày 23-2-2021, UBND thành phố ban hành Quyết định số 604/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề án “Phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2030”. Mục tiêu cụ thể, giai đoạn 2021-2025, thành phố phát triển thêm 4-5 cụm công nghiệp mới nhằm đáp ứng một phần quan trọng nhu cầu đất cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ. Đặc biệt, các cơ sở nằm trong khu dân cư cần phải di dời và bố trí tập trung để ổn định và phát triển sản xuất, khắc phục các vấn đề về ô nhiễm môi trường. Đồng thời, hoàn thiện hạ tầng cụm công nghiệp Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước và bố trí, sắp xếp các cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ vào Khu quy hoạch làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước Ngũ Hành Sơn giai đoạn 2. Tiếp đó, đầu tư xây dựng cụm công nghiệp Làng nghề đá chẻ Hòa Sơn để bố trí tập trung các cơ sở làm nghề đá chẻ tại Hòa Vang nhằm quản lý tốt các vấn đề về ô nhiễm môi trường và nâng cao hiệu quả sản xuất.

Nhiều nhà đầu tư đang tích cực tìm cơ hội đầu tư vào thị trường bất động sản công nghiệp.  Trong ảnh: Công nhân đang thi công hạ tầng tại Khu Công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Nhiều nhà đầu tư đang tích cực tìm cơ hội đầu tư vào thị trường bất động sản công nghiệp. TRONG ẢNH: Công nhân đang thi công hạ tầng tại Khu Công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Thành phố cũng điều chỉnh đưa cụm công nghiệp Thanh Vinh mở rộng ra khỏi quy hoạch các cụm công nghiệp của thành phố để bố trí quỹ đất cho việc phát triển hạ tầng kỹ thuật khác nhằm phát triển kinh tế - xã hội. Theo Sở Công thương (đơn vị thực hiện đề án), giải pháp về huy động vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp dựa trên điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng với tầm nhìn dài hạn làm cơ sở xác định quỹ đất cho phát triển công nghiệp thành phố trước mắt và lâu dài, trong đó có các cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề. Đồng thời tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, xây dựng chính sách khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế, tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp mới trên địa bàn. Đối với giải pháp về cơ chế, chính sách có hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề; hỗ trợ kinh phí hoạt động phát triển cụm công nghiệp. Thành phố cũng triển khai các giải pháp về bảo vệ môi trường, phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ và tổ chức bộ máy quản lý.

Ông Trương Đình Đức, Trưởng Văn phòng Hội doanh nhân tư nhân miền Trung - Văn phòng Đà Nẵng cho rằng, việc thành phố quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp, hình thành BĐS công nghiệp có tác động tích cực đến sự phát triển của doanh nghiệp và thành phố. Đề án “Phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2030” đã cụ thể mục tiêu chung là hình thành hệ thống các cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề hợp lý trên địa bàn; bảo đảm một phần quan trọng nhu cầu về đất cho các doanh nghiệp công nghiệp, hộ kinh doanh vừa và nhỏ, siêu nhỏ. Đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên theo định hướng phát triển của thành phố theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững; góp phần vào sự tăng trưởng chung của ngành công nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội thành phố.

Được biết, thành phố cũng đưa các dự án KCN mới vào danh mục thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng giai đoạn 2020-2025. Cụ thể, KCN Hòa Cầm giai đoạn 2 diện tích 120ha vốn đăng ký đầu tư dự kiến 2.232 tỷ đồng; KCN Hòa Ninh 400ha vốn đăng ký đầu tư dự kiến trên 6.083 tỷ đồng; KCN Hòa Nhơn 360ha vốn đầu tư dự kiến 5.657 tỷ đồng.

Nguồn: Triệu Tùng (Theo baodanang.vn)