ĐÀ NẴNG: 'ĐẤT TREO DƯỚI CHÂN NÚI BÀ NÀ

4 năm trước

Ông Lê Đức Thương- Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh (H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) cho biết, Hòa Ninh có diện tích tự nhiên hơn 10.500 ha, với 8 thôn, hơn 6.500 nhân khẩu.

Với địa hình đặc thù gần như hơn 90% diện tích đất đai là đồi núi, nằm dưới chân khu du lịch Bà Nà- Núi Chúa, đời sống nhân dân chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp, trồng rừng… Vậy nhưng, hơn 10 năm qu a, trên địa bàn có tới 48 dự án được quy hoạch, đến thời điểm hiện tại, còn cả chục dự án được xếp vào diện chậm triển khai, “treo lâu”, hoặc phải đề nghị hủy bỏ, khiến hàng trăm héc-ta đất sản xuất bị “treo” theo.

Hàng trăm héc-ta đất bỏ hoang ở thôn An Sơn (xã Hòa Ninh) do ảnh hưởng từ các dự án “treo” quá lâu.

Cung cấp cho chúng tôi danh mục các dự án trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Cừ- cán bộ địa chính xã Hòa Ninh vừa nói: chỉ tính “sơ sơ”, trên địa bàn xã hiện có 7 dự án chậm triển khai và đề nghị hủy bỏ, chiếm gần 1.300 ha đất các loại. Xin nêu một số dự án như, Khu CNTT tập trung, quyết định UBND TP phê duyệt tháng 11-2012, trên diện tích 201ha và Khu CNTT  tập trung 2, UBND TP phê duyệt tháng 12-2012, trên diện tích hơn 56 ha (cả 2 dự này đều do Sở Khoa học- Công nghệ TP Đà Nẵng làm chủ đầu tư). Dự án Khu du lịch sinh thái phía Đông nhà vườn Hòa Ninh và Mở rộng kinh tế vườn Hòa Ninh, diện tích hơn 70 ha, do bà Đinh Thị Thư Dung là chủ đầu tư.  Khu đô thị sinh thái và biệt thự nhà vườn đường Hoàng Văn Thái, UBND TP phê duyệt tháng 1-2014, trên diện tích gần 900 ha; Dự án Khu biệt thự sinh thái tại xã Hòa Ninh, UBND TP phê duyệt tháng 12-2015, trên diện tích 150 ha…

Ông Cừ cho biết, đấy là có những dự án đã điều chỉnh quy hoạch, chứ có thời điểm, trên 8 thôn của xã đều có diện tích nằm trong dự án. Các dự án có diện tích lớn như nêu trên, đã chiếm hầu hết diện tích của các thôn như An Sơn, Đông Sơn, Trung Nghĩa… ảnh hưởng tới cả nghìn  hộ dân. Hiện nay, UBND xã đã “điểm” một số dự án vào dạng “treo quá lâu” đề nghị cần phải thu hồi dự án, có thể kể ra như: Dự án khu du lịch sinh thái phía Đông nhà vườn Hòa Ninh; dự án mở rộng khu dân cư kinh tế vườn Hòa Ninh; dự án Khu CNTT tập trung 2; dự án sân gôn tại khu đất dọc đường Hoàng Văn Thái… Hầu như các dự án này đều đã có quy hoạch trên 5 năm trở về trước. Theo Luật Đất đai, các dự án đã phê duyệt, quy hoạch trên 3 năm, phải điều chỉnh lại quy hoạch, nếu không khả thi cần thu hồi dự án, thế nhưng hầu hết các dự án đã nêu đều quá quy định, tức là đang rơi vào tình trạng “treo”, hay nói “nhẹ nhàng” là “chậm triển khai”.

Do dự án treo, theo ông Lê Đức Thương, người dân trong vùng dự án không thể làm nhà mới, không thể tách thửa, tách hộ cho con cái họ khi có nhu cầu lập gia đình, cần tạo dựng cuộc sống riêng… Đặc biệt, đời sống nhân dân ở vùng dự án rất khó khăn, vì các phương án sản xuất không thể thực hiện, các dự án đầu tư phát triển kinh tế, xã hội của địa phương cũng không thể tiến hành… Tại một số dự án như đã nêu trên, chỉ tính riêng tại thôn An Sơn, đã có gần 300 ha đất nằm trong quy hoạch, bị bỏ hoang gần 10 năm không thể sản xuất, phục vụ đời sống người dân, thậm chí còn ảnh hưởng đến đời sống người dân…

UBND xã Hòa Ninh đã kiến nghị, đề nghị UBND TP yêu cầu các chủ đầu tư sớm triển khai các dự án, nếu chủ đầu tư  chưa triển khai thì đề nghị hủy dự án vì những dự án này đã điều chỉnh nhiều lần. Trên địa bàn Hòa Ninh, diện tích đất người dân khai hoang rất lớn, nhưng chưa có chủ chương giao đất nông nghiệp cho nhân dân. Xã có 8 thôn, có tới 4 thôn là Trung nghĩa, thôn 1, thôn 5, Hòa Trung, nhân dân thiếu nước sạch để sinh hoạt, nguyên nhân cũng do nằm trong vùng dự án treo, nên nhiều năm qua, hệ thống cung cấp nước sinh hoạt không được xây dựng, lắp đặt hoàn chỉnh. Cũng vì có nhiều dự án chậm triển khai, tuyến đường liên thôn từ trung tâm xã đến thôn Đông Sơn dài 7km, từ nhiều năm qua, xuống cấp hư hỏng trầm trọng nhưng cũng không thể sửa chữa…

Dự án chậm triển khai còn nảy sinh những vấn đề phức tạp, đã có thời gian (cao điểm cuối năm 2018, đầu năm 2019), đất đai tại các khu vực như thôn An Sơn, Sơn Phước, Hòa Ninh được các đối tượng mua bán đất đẩy giá  lên hàng chục triệu đồng/m2, đất ở,  nhiều tỷ đồng héc-ta đất vườn. “Đất “sốt” nảy sinh các vấn đề tranh chấp, chuyển nhượng đất nông nghiệp ồ ạt, gây mất ANTT…

Nhìn chung, các dự án chậm triển khai, chồng lấn quy hoạch, không khả thi… làm cho cuộc sống người dân Hòa Ninh lâm vào cảnh khó khăn trăm bề,  chính quyền địa phương cũng lâm vào cảnh “bối rối” trong định hướng phát triển kinh tế-xã hội lâu dài trên địa bàn… Hiện nay, UBND xã Hòa Ninh đang kiến nghị đề nghị UBND TP và ngành chức năng xem xét, kiểm tra cho loại bỏ nhiều dự án đã quy hoạch nhưng chậm triển khai, hoặc  không có khả thi để địa phương có kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và người dân yên tâm,  phát triển sản xuất, ổn định đời sống…

 

Nguồn: Hồng Thanh (Theo cadn.com.vn)