ĐÀ NẴNG: 10 NĂM THAI NGHÉN MỘT THÀNH PHỐ TOÀN CẦU

4 năm trước

Đi cùng quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng, TP Đà Nẵng đã gìn giữ bản sắc văn hóa, thiết lập cá tính thương hiệu như thế nào, để qua 10 năm, từ một đô thị quốc gia có thể xứng tầm đô thị quốc tế?

Đà Nẵng 10 năm thai nghén một thành phố toàn cầu

Năm 1951, Nhật Bản khởi động cuộc trường kỳ về văn hóa, nhằm thay đổi cái nhìn của bạn bè quốc tế đối với đất nước và con người Nhật sau chiến tranh. Thông qua các chiến dịch quảng bá văn hóa đa dạng như trà đạo, biểu tượng núi Phú Sỹ, hoa anh đào, võ sĩ samurai, hay truyền tải các thông điệp giáo dục ý nghĩa bằng âm nhạc, điện ảnh, văn chương… ngày nay, Nhật Bản đã xây dựng thành công hình ảnh về một đất nước tươi đẹp, văn minh, thiện chí với nền kinh tế hùng mạnh. Sự chuyển mình kỳ diệu của Nhật Bản minh chứng sức mạnh của văn hóa trong tiến trình phát triển của mỗi quốc gia.

Hoa anh đào, biểu tượng của xứ sở Phù Tang

Đến đầu thế kỷ 20 tại Việt Nam, một giấc mơ “thay da đổi thịt” đầy tham vọng khác cũng đã được nuôi dưỡng và lớn lên cùng con người Đà Nẵng. xค́c định văn hóa là trái tim trong hành trình phát triển vượt thời gian, Đà Nẵng dành 20 năm xây dựng nền tảng cơ sở hạ tầng, 10 năm đồng hành xค́c lập bản sắc văn hóa.

Nghị Quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị năm 2019 đặt mục tiêu đến năm 2030 cho Đà Nẵng trở thành một đô thị “mang tầm quốc tế, có bản sắc riêng”. Để có thể sánh vai cùng các đô thị hấp dẫn bậc nhất thế giới như Tokyo (Nhật Bản), Copenhagen (Đan Mạch) hay Melbourne (Australia)… 10 năm qua, Đà Nẵng đã làm được những gì?

Gìn giữ văn hóa truyền thống

Theo suốt chiều dài lịch sử, khi phong trào bảo vệ văn hóa dân tộc luôn diễn ra vô cùng mạnh mẽ thì Đà Nẵng chính là một lát cắt văn hóa truyền thống điển hình. Vùng đất này hội tụ nhiều loại hình văn hóa từ văn hóa núi rừng, văn hóa ruộng đồng đến văn hóa biển. Với đặc tính vươn ra biển lớn, Đà Nẵng cũng tiếp nhận một cách gạn lọc tinh hoa văn hóa từ Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Hoa, Pháp vào thành phố, khiến cho tổng thể nền văn hóa trở nên đa dạng trong chính tinh thần bản thể của mình.

Về kiến trúc và nghệ thuật, Đà Nẵng là vùng đất lành đối với di sản, chứng nhân của nhiều câu chuyện văn hóa – lịch sử. Hiện nay, thành phố có 20 di tích cấp quốc gia, 51 di tích cấp thành phố và 4 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Trong đó, nhiều công trình đã được thành phố đưa vào khai thác phục vụ du lịch.

Năm 2019, mỗi ngày danh thắng Ngũ Hành Sơn đón khoảng 1.500 – 2.000 du khách hành hương trở về nơi cửa Phật. Bảo tàng điêu khắc Chăm – nơi lưu giữ dấu ấn văn hóa Champa phồn thịnh cùng vẻ đẹp cổ điển của kiến trúc Pháp – mỗi ngày cũng đón một lượng khách lớn từ 600 đến 1000 khách. Đặc biệt, di tích Chăm Phong Lệ với nhiều hiện vật nghìn năm tuổi vừa được khai quật vào năm 2018 được kỳ vọng sẽ tiếp nối tiềm năng du lịch văn hóa Chăm.

Bảo tàng Điêu khắc Chăm nơi lưu giữ nét văn hóa xưa

Đối với di sản văn hóa phi vật thể, bên cạnh tính đa dạng từ diễn xướng bài chòi, tuồng, đến lễ cầu ngư, lễ hội Quán thế âm Bồ tát, lễ hội Mục đồng… các hình thức văn hóa truyền thống này còn là tiếng nói giàu cảm xúc từ đời sống tinh thần người Đà Nẵng. Trong đó, nghệ thuật tuồng là một ví dụ điển hình với sức sống mãnh liệt, vươn xa vào Nam ra Bắc, đến tận cung đình Huế. Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh được xây dựng vào năm 1967 đến nay vẫn duy trì biểu diễn hàng tuần để phục vụ cư dân và du khách.

Trải qua thử thách khốc liệt của thời gian, làng nghề truyền thống cũng được người Đà Nẵng gìn giữ và phát triển đến hôm nay như một loại hình di sản. Họ lưu truyền các làng nghề từ đời nọ đến đời kia, không chỉ vì cơm áo cho bao thế hệ mà còn vì tình yêu quê hương đất nước đã lặng lẽ ngấm vào trong mạch sống. Đà Nẵng có nhiều làng nghề, nhưng nổi tiếng hơn cả là làng đá mỹ nghệ Non Nước, làng chiếu Cẩm Nê và làng nghề nước mắm Nam Ô.

Nghệ thuật Tuồng đã kéo du khách đến gần hơn với văn hóa Đà Nẵng

Đi cùng sự phát triển bền bỉ đó, ẩm thực của người Đà Nẵng qua mỗi bước đổi thay của thời đại mà khẳng định sức ảnh hưởng của mình lên đời sống văn hóa. Trong đó, gỏi cá Nam Ô gắn liền với làng biển Nam Ô, bánh khô mè hay bánh tráng Túy Loan là những món ăn được lưu giữ cho đến ngày nay, mang hương vị đậm đà mà tinh tế, đặc trưng rừng biển Đà Nẵng mà không nơi nào có được.

Các giá trị văn hóa truyền thống được người Đà Nẵng lưu giữ và phát triển hàng thế kỷ qua đã tạo nên sức mạnh văn hóa nội tại, từ đó định hình cá tính khác biệt cho ngành du lịch. Nhiều tour du lịch kết hợp khám phá văn hóa đã được thiết lập, quảng bá hình ảnh về một Đà Nẵng có chiều sâu, góp phần lý giải nền tảng tinh thần cho những đổi thay tuyệt vời của đô thị ngày hôm nay.

Làng nghề chiếu Cẩm Nê 600 năm, bình dị của Đà Nẵng

Sáng tạo văn hóa hiện đại

Năm 2008, UBND thành phố lần đầu tiên tổ chức Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, làm một “phát súng” đầy kiêu hãnh cho hành trình xây dựng thương hiệu thành phố sự kiện – lễ hội, đồng thời khơi gợi hình ảnh mạnh mẽ của Đà Nẵng trên con đường phát triển và hội nhập. Trải qua 10 năm, cuộc thi này liên tục được tổ chức, quy tụ hàng ngàn du khách từ khắp các quốc gia trên thế giới đổ về, lắng nghe người Đà Nẵng kể câu chuyện tình yêu của mình đối với thành phố bên sông Hàn.

Năm 2012, tháng 5 Đà Nẵng tiếp tục triển khai Cuộc thi dù bay quốc tế, tháng 6 có sự kiện Điểm hẹn mùa hè thường niên, quy tụ những hoạt động giao lưu, vui chơi giải trí biển sôi động tại Công viên Biển Đông. Đến năm 2015 – 2016, Đà Nẵng đăng cai và tổ chức thành công Cuộc thi đua thuyền buồm quốc tế Clipper Race, Đại hội thể thao bãi biển châu Á. Các lễ hội đậm màu văn hóa biển này đã khoác lên một tấm áo mới rực rỡ cho thành phố, ghi dấu ấn tốt đẹp trong lòng du khách thập phương.

Cá bống ăn rác, hoạt động kêu gọi bảo vệ môi trường biển Đà Nẵng

Bên cạnh đó, thành phố chú trọng chăm sóc đời sống tinh thần cho người dân thông qua các hoạt động văn hóa đời sống. Năm 2006 xây mới Nhà hát Trưng Vương, cho đến nay duy trì tổ chức các loại hình nghệ thuật sân khấu. Năm 2013 khởi công xây dựng Công viên châu Á – Asia Park. Năm 2014 thành lập Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng. Năm 2015 đưa Thư viện Khoa học tổng hợp đi vào hoạt động sau 5 năm thực hiện với tổng vốn đầu tư hơn 280 tỷ đồng. Và năm 2019 hoàn thành dự án phục dựng rạp chiếu phim quốc doanh Lê Độ.

Trong xây dựng văn hóa con người và đô thị, thành phố chủ trương xây dựng con người Đà Nẵng phát triển toàn diện với nếp sống văn minh, hội nhập, nhân văn. Quyết định số 2558/QĐ-UBND của thành phố được ban hành năm 2017 về quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa đã đưa đến hàng loạt chương trình như “Năm văn hóa văn minh đô thị”, “Thành phố 4 an”, “Chỉ cần nở một nụ cười”, hay các hoạt động thiện nguyện: quán cơm 2000 đồng, tủ bánh mỳ miễn phí, bảo vệ môi trường bán đảo Sơn Trà… Qua đó, Đà Nẵng mỗi ngày lại chuyển tải cho cộng đồng những câu chuyện đẹp về cuộc sống.

Lễ hội pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng

Nhìn ra thế giới, khi thành phố Bangkok chinh phục thành công danh hiệu Điểm đến toàn cầu – “Global Destination”, Paris vang vọng “Kinh đô ánh sáng”, hay Brussels đầy mê hoặc trong hình tượng “Trái tim châu Âu”… thì Đà Nẵng ngày hôm nay, qua hành trình 10 năm, cũng có thể tự hào với danh xưng “Fantasic City – Thành phố đáng sống”. Không phải ngẫu nhiên mà cái tên đầy cảm hứng này được cư dân trong nước lẫn quốc tế truyền tai nhau khi nói về Đà Nẵng. Đó là kết quả của một hành trình dài thành phố nỗ lực gìn giữ, xây dựng các giá trị văn hóa, đồng thời phát huy và nhân rộng bản chất thân thiện vốn có của người dân xứ Quảng Đà.

Theo dữ liệu từ Tổng cục Du lịch, tổng lượt khách đến Đà Nẵng trong 10 tháng năm 2019 ước đạt 7,2 triệu lượt, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 2,8 triệu lượt, tăng 20,9%, khách nội địa ước đạt 4,4 triệu lượt, tăng 16,8%. Tổng nguồn thu du lịch ước đạt 25,3 nghìn tỷ đồng, tăng 20,7%. Tờ The New York Times bình chọn Đà Nẵng lọt top 15 điểm đáng đến nhất thế giới năm 2019. Những dữ liệu này đã minh chứng sức sống và tiềm năng mạnh mẽ của Đà Nẵng trên con đường chinh phục thương hiệu “Đô thị quốc tế”.

Nguồn: Nghi Văn- VVA (Theo baophapluat.vn)