CẢNG LIÊN CHIỂU SẼ LÀ BƯỚC ĐỘT PHÁ LỚN CHO SỰ PHÁT TRIỂN LOGISTIC ĐÀ NẴNG

3 năm trước

Ông Tô Văn Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Đà Nẵng cho rằng, việc xây dựng thành công cảng Liên Chiểu sẽ là động lực lớn cho các ngành kinh tế Đà Nẵng, giải quyết được bài toán cấm giờ đối với các phương tiện vận tải.

To Va Hiep

Ông Tô Văn Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Đà Nẵng. Ảnh: cdtm.edu.vn.

Thời gian vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng, với vốn đầu tư hơn 3.400 tỷ đồng.

Chủ trương đầu tư này đã tác động lớn đến phát triển của các ngành kinh tế, nhất là ngành logistics. Để làm rõ hơn định hướng này, nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với ông Tô Văn Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa đường bộ Đà Nẵng.

Ông đánh giá như thế nào về tình hình phát triển ngành logistics của Đà Nẵng?

Ông Tô Văn Hiệp: Đà Nẵng có lợi thế rất lớn về điều kiện địa lý tự nhiên mang tính chiến lược. Với vị trí trung độ của Việt Nam, địa phương còn là cửa ngõ phía Đông của hành lang kinh tế Đông - Tây, nằm trên trục giao thông Bắc-– Nam về đường bộ, đường sắt, đường hàng không. Ngoài ra, Đà Nẵng là cửa ngõ chính ra biển Đông cho toàn khu vực các nước Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam.

Với những lợi thế về địa lý, hạ tầng giao thông đường bộ, đường biển, đường sắt và đường hàng không, Đà Nẵng đang có tiềm năng rất lớn phát triển ngành logistics, đóng vai trò quan trọng với việc phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. 

Bên cạnh đó, TP. Đà Nẵng tiếp tục giữ vai trò là đô thị trung tâm của miền Trung với các nhiệm vụ như: trung tâm công nghiệp, giao thông, thương mại, tài chính ngân hàng, văn hóa, du lịch và dịch vụ miền Trung, xây dựng khu công nghệ cao, làng đại học Đà Nẵng và cảng nước sâu Liên Chiểu. 

Trong 5 năm qua, để thúc đẩy phát triển kinh tế toàn diện, ngành giao thông vận tải của thành phố đã có nhiều chiến lược đầu tư, phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông về quy mô, đem lại những chuyển biến rõ nét, với nhiều công trình lớn, hiện đại đáp ứng nhu cầu giao thương của thành phố.

Giai đoạn 2015-2020, khối lượng luân chuyển hàng hóa ước tăng 8,3%/năm, khối lượng luân chuyển hành khách ước tính tăng 9%/năm và doanh thu vận tải ước tăng 6,6%/năm. Sản lượng hàng hóa qua cảng ước đạt 43,1 triệu tấn, tăng bình quân 9,3%/năm. 

Screen Shot 2021-06-02 at 06.49.19

Cảng Liên Chiểu sẽ là một bước đột phá lớn cho sự phát triển ngành logistics Đà Nẵng. Ảnh: Phước Nguyên.

Tính đến thời điểm hiện tại, Đà Nẵng đã đạt được một số thành tựu nhất định trong hoạt động vận tải và logistics.

Theo kế hoạch phát triển logistics của Đà Nẵng, xác định mục tiêu đến năm 2045, TP. Đà Nẵng sẽ hình thành trung tâm logistics cấp vùng và trung tâm logistics cấp tỉnh với các trung tâm logistics thành phần gồm: Trung tâm logistics cảng Liên Chiểu, trung tâm logistics Hòa Nhơn, trung tâm logistics ga hàng hóa Kim Liên, Trung tâm logistics cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, trung tâm logistics khu công nghệ cao.

Tuy nhiên, hoạt động logistics tại Đà Nẵng vẫn còn nhiều hạn chế cần cải thiện so với nhu cầu thực tiễn phát triển. Năng lực cung ứng dịch vụ, năng lực cạnh tranh và năng lực kết nối logistics giữa TP. Đà Nẵng với các quốc gia trong khu vực và thế giới còn nhiều hạn chế… Ngoài ra, chi phí vận tải đường bộ còn ở mức cao chưa tối ưu hóa hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vận tải. Chẳng hạn, theo số liệu từ doanh nghiệp vận tải, chi phí vận tải đường bộ, xăng dầu chiếm khoảng 30-35%, phí cầu đường (BOT) bình quân chiếm khoảng 10-15% (tùy theo từng doanh nghiệp vận tải và khu vực vận tải). 

Cùng với đó, hệ thống kho bãi của các doanh nghiệp cổ phần, tư nhân và liên doanh dành cho cung cấp dịch vụ logistics phần lớn có quy mô nhỏ, đặc biệt, diện tích kho chứa mới chỉ có khoảng 5,1 ha. Điều này có nghĩa rằng hệ thống kho bãi và dịch vụ logistics của TP. Đà Nẵng chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu sản xuất, dự trữ của địa phương và vùng lân cận, mà chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải hàng hóa quốc tế ngày một gia tăng qua khu vực Đà Nẵng. Để phát triển thành trung tâm logistics, địa phương phải liên kết vùng chặt chẽ, song kết cấu hạ tầng giao thông vùng còn hạn chế, dễ chia cắt khi gặp bão lũ.

Thời gian gần đây, khu vực quận Liên Chiểu tập trung nhiều dự án quan trọng, đặc biệt là dự án cảng Liên Chiểu. Vai trò của dự án này đối với sự phát triển của ngành logistics Đà Nẵng như thế nào thưa ông?

Ông Tô Văn Hiệp: Mục tiêu phát triển của Đà Nẵng những năm gần đây là xây dựng thành phố trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội của cả nước. Định hướng Đà Nẵng trở thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại miền Trung. Đồng thời, Đà Nẵng sẽ là cửa ngõ giao nhận, vận chuyển với các địa phương trong nước và quốc tế. Qua đó, cảng Liên Chiểu sẽ tạo đà thúc đẩy ngành logistics của địa phương phát triển.

Vì vậy, dự án cảng Liên Chiểu là cần thiết trong việc phát triển logistics của TP. Đà Nẵng và cả khu vực miền Trung. Tuy nhiên, thành phố cần phải có những thiết kế chi tiết cụ thể, cân nhắc yếu tố bền vững bảo vệ môi trường.

Hiện nay, ngành logistics Đà Nẵng tập trung chủ yếu vào cảng Tiên Sa. Vì vậy, lương xe cổ tại lại bị hạn chế bởi lệnh cấm giờ phục vụ cho du lịch. Qua đó, việc xây dựng cảng Liên Chiểu tạo thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa?

Ông Tô Văn Hiệp: Cảng Tiên Sa có nhược điểm là vị trí địa lý nằm trong lòng thành phố, dân cư đông đúc. Bởi đường vào cảng xung đột với giao thông đô thị, không thuận lợi cho các xe trọng tải lớn, hàng hóa siêu trường siêu trọng di chuyển. Việc này khiến cho sự phát triển của ngành dịch vụ logistics quy mô lớn gặp không ít khó khăn. 

Cùng với đó, hạn chế phương tiện vận chuyển hàng hóa lưu thông là cắt đứt mạch xuyên suốt 24/24 giờ, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu cùng với nhiều hệ lụy khác trong chuỗi cung ứng logistics. Đây chỉ là giải pháp tình thế nhằm hạn chế những rủi ro về an toàn giao thông trong những giờ cao điểm. Mặt khác, hiện nay, diện tích kho bãi trong cảng tương đối hẹp, không đủ sức chứa so với nhu cầu về kho bãi đang gia tăng cao.

Do đó, việc xây dựng thành công cảng Liên Chiểu sẽ là một bước đột phá lớn cho sự phát triển ngành logistics Đà Nẵng và tạo thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa, trước hết là sự thuận lợi về mặt địa lý. Việc này tạo sự kết nối giữa cảng với các trung tâm hàng hóa như các khu công nghiệp, các trung tâm kho vận lân cận, kết nối với hệ thống đường quốc lộ, đường cao tốc Bắc - Nam, cửa ngõ hành lang kinh tế Đông Tây. 

Đồng thời, chuỗi cung ứng dịch vụ logistics sẽ không còn bị hạn chế do việc cấm lưu thông trong giờ cao điểm, góp phần làm bề mặt tuyến đường du lịch Sơn Trà - Ngũ hành Sơn thông thoáng, tôn vinh vẻ đẹp của không gian du lịch Đà Nẵng vốn đang chờ đợi cơ hội bùng nổ và phát triển sau khi thế giới không chế được dịch Covid- 19.

Mới đây, chính phủ có phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo ông, việc quy hoạch này có sự tác động như thế nào đến việc phát triển ngành du lịch và ngành logistics?

Ông Tô Văn Hiệp: Như thông tin về tính khả thi của dự án cảng Liên Chiểu trước đây, nhiều nhà tư vấn quy hoạch vĩ mô và các chuyên gia logistics nhận định, xây dựng Cảng Liên Chiểu sẽ đối mặt với nhiều thách thức.

Thách thức đầu tiên là khả năng tác động môi trường tự nhiên khi xây dựng các đê chắn sóng lớn làm chuyển dịch dòng chảy tự nhiên. Tiếp theo đó, cảng sẽ xuất hiện sự xung đột trong khai thác cảng biển giữa các cảng lân cận quá gần nhau với cảng Chân Mây (Thừa Thiên Huế) cũng như tốc độ di dân vùng dân cư bắc Hòa Khánh.

Khi quy hoạch cảng Liên Chiểu, Đà Nẵng cần phải có những tính toán để giải quyết các thách thức trên. Sự nỗ lực và nhất trí của các cấp lãnh đạo thành phố, cũng như đồng lòng của người dân trong việc xây dựng cảng Liên Chiểu thật sự. Đây là động lực chính làm thay đổi, phát triển TP. Đà Nẵng theo hướng phát triển bền vững. 

Cảng Tiên Sa dần trở thành cảng du lịch bề thế nhất miền Trung, với môi trường du lịch sinh thái sẽ hấp dẫn, dành cho du khách gần xa và bạn bè quốc tế. Cảng Liên Chiểu không chỉ gánh trọng trách là vùng đệm thu hút hàng hóa trong nước, mà còn trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa quốc gia. 

Việc cạnh tranh giữa cảng biển của các tỉnh lân cận như cảng Chu Lai (Quảng Nam), cảng Chân Mây (Thừa Thiên Huế) cho thấy, Đà Nẵng cần nâng cao chất lượng dịch vụ, giá cả vì lợi ích của khách hàng.

Xây dựng thành công cảng Liên Chiểu sẽ là động lực lớn cho các ngành kinh tế Đà Nẵng, giải quyết được bài toán cấm giờ đối với các phương tiện vận tải.

Ngoài các ý kiến trên, chúng tôi thấy rằng quy hoạch chi tiết cảng Liên Chiểu với các trung tâm logistics lân cận chưa được rõ ràng và chi tiết. TP. Đà Nẵng cần có nhiều kênh thông tin công khai quy hoạch chi tiết, nhằm giúp nhà đầu tư có cơ hội nắm bắt thông tin, cũng như xem xét các chính sách hỗ trợ cụ thể cho các doanh nghiệp có dự định thuê đất phát triển dịch vụ logistics. Bởi hiện nay, chi phí thuê mặt bằng tại TP. Đà Nẵng khá cao so với các tỉnh lân cận.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Phước Nguyên (Theo nhadautu.vn)