BƯỚC NGOẶT QUAN TRỌNG ĐỂ ĐÀ NẴNG TIẾP TỤC PHÁT TRIỂN

4 năm trước

Với 445/451 đại biểu biểu quyết tán thành, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Nghị quyết được thông qua nhận được dư luận đồng tình cùng những trăn trở làm thế nào để thành phố thực sự có bước đột phá để phát triển bền vững.

Đô thị thành phố Đà Nẵng ngày càng phát triển hiện đại. Ảnh: T.T

Đô thị thành phố Đà Nẵng ngày càng phát triển hiện đại. Ảnh: T.T

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng Bùi Văn Tiếng: Các cơ chế, chính sách đặc thù sẽ tạo thêm nguồn lực cho thành phố phát triển

Việc Quốc hội khóa XIV vừa thông qua Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng và một số cơ chế, chính sách đặc thù khác có ý nghĩa vô cùng quan trọng để Đà Nẵng tạo sự đột phá trong quá trình xây dựng và phát triển trong thời gian đến.

Theo đó, khi thực hiện nghị quyết này, Đà Nẵng sẽ giảm được một số công chức do không còn tổ chức HĐND ở các quận và các phường, từ đó tiết kiệm được một khoản tiền thuế mà người dân đóng góp vào ngân sách thành phố.

Đồng thời, nghị quyết cũng đã quy định theo hướng tạo sự linh hoạt, chủ động cho Đà Nẵng trong trường hợp cần bố trí tăng thêm số lượng đại biểu HĐND thành phố, hoạt động chuyên trách tại mỗi ban để có thể tăng cường kiểm soát quyền lực ở các quận và phường không tổ chức HĐND, qua đó nâng cao hiệu quả thu thập dân nguyện, giám sát thực địa, đôn đốc việc trả lời ý kiến cử tri...

Trong các cơ chế, chính sách đặc thù khác nêu trong nghị quyết, có một nội dung quan trọng, đó là vấn đề nguồn lực tài chính. Nghị quyết giao Chính phủ xem xét trình Quốc hội quyết định tỷ lệ điều tiết phù hợp cho ngân sách Đà Nẵng; đồng thời cho phép Đà Nẵng được quyết định sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn thừa của ngân sách để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, được giữ lại 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách thu để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương và không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách Đà Nẵng…

Các cơ chế chính sách này sẽ tạo điều kiện cho Đà Nẵng có thêm những nguồn lực tài chính để đầu tư phát triển thành phố trong những năm đến; đồng thời cũng là điều kiện thuận lợi giúp thành phố trong công tác nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước. Qua đó, bộ máy chính quyền hoạt động năng động, chủ động hơn để thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình.

Trưởng ban Pháp chế, HĐND thành phố Phan Thanh Long: Tạo động lực mới cho Đà Nẵng

Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV sẽ giúp Đà Nẵng “cởi trói”, phát triển với cơ chế, chính sách đặc thù mới, tạo động lực cho phát triển khu vực miền Trung - Tây nguyên và cả nước.

Theo đó, đối với tổ chức bộ máy, chính quyền đô thị thành phố Đà Nẵng được Trung ương (Chính phủ, các bộ, ngành) phân cấp, ủy quyền sâu rộng, hợp lý nhằm tạo điều kiện phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo, nhanh nhạy; đồng thời đề cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền đô thị. Các cơ quan chuyên môn trực thuộc được sắp xếp tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Về đội ngũ cán bộ công chức: Với mô hình mới, cơ chế vận hành mới theo hướng tập trung và thống nhất, phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm giải trình, bộ máy chính quyền và đội ngũ cán bộ, công chức sẽ hình thành phương thức quản lý và cung ứng dịch vụ chuyên nghiệp, kiểm soát chặt chẽ hơn quá trình thi hành công vụ thông qua các công cụ quản lý và đi cùng với đó là cơ chế giám sát mới hiệu quả hơn sẽ được hình thành.

Về kinh tế - xã hội: Chính quyền đô thị góp phần tích cực vào việc cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài và trong nước, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển và hội nhập.

Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Thanh Khê Nguyễn Thị Minh Nguyệt: Cần có cơ chế, hướng dẫn cụ thể để phát huy vai trò giám sát

Tôi thống nhất việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị. Tuy nhiên, những ngày qua, sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, một số cử tri quận Thanh Khê khá trăn trở là khi không còn HĐND cấp quận và phường thì vai trò giám sát của nhân dân sẽ do cơ quan nào đảm nhiệm.

Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù sẽ tạo động lực cho Đà Nẵng phát triển bền vững.  Trong ảnh: Giao dịch hành chính tại Trung tâm Hành chính quận Thanh Khê. Ảnh: SƠN TRUNG

Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù sẽ tạo động lực cho Đà Nẵng phát triển bền vững. Trong ảnh: Giao dịch hành chính tại Trung tâm Hành chính quận Thanh Khê. Ảnh: SƠN TRUNG

Vì vậy, để triển khai thực hiện hiệu quả mô hình chính quyền đô thị, Thành ủy cần có cơ chế, hướng dẫn cụ thể để thực hiện; đồng thời có quy định về việc giám sát chính quyền cùng cấp khi không còn HĐND, để khi đưa vào thực thi không gặp lúng túng, tạo điều kiện cho nhân dân phát huy vai trò giám sát.

Trong thời gian qua, HĐND được biết đến với vai trò là cơ quan đại biểu của nhân dân, làm “cầu nối” giữa Đảng với dân, thể hiện quyền giám sát của nhân dân đối với chính quyền. Bên cạnh đó có các chủ thể khác nhau tham gia giám sát hoạt động của chính quyền như: Ủy ban MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội. Tuy nhiên, giám sát của HĐND có điểm khác biệt, đó là giám sát của cơ quan quyền lực Nhà nước. Đây là chức năng được quy định trong Hiến pháp, xuất phát từ địa vị chính trị, pháp lý của HĐND.

Phó Chủ tịch HĐND quận Ngũ Hành Sơn Mai Niên: Chính quyền đô thị phải thông suốt, trực tiếp, hiệu lực, hiệu quả

Đây là cơ hội rất tuyệt vời để thành phố có bước đột phá phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn mới. Tôi ủng hộ việc thí điểm chính quyền đô thị nhằm tinh gọn bộ máy, giảm tầng nấc trung gian với mục tiêu là thông suốt, trực tiếp, hiệu lực, hiệu quả.

Để thực sự đạt được mục tiêu này, việc thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các luật liên quan cần có điều chỉnh bằng những văn bản của Chính phủ nhằm bảo đảm đạt được mục tiêu trên. Đơn cử: Khi còn HĐND quận, HĐND phường thì quận và phường là một cấp ngân sách có tính chủ động hơn. Khi ở quận và phường không tổ chức HĐND, chỉ còn là một cấp hành chính thì quận, phường là một đơn vị dự toán ngân sách sẽ bị động hơn. Do đó cần phải hoàn thiện mục tiêu chính quyền đô thị.

Nguồn: Nhóm Phóng Viên Thời Sự (Theo baodanang.vn)