Bình ổn giá cả mùa du lịch hè

6 năm trước

Qua khảo sát, mặc dù mới bước vào những ngày nắng nóng của đầu hè và mùa cao điểm du lịch trong năm, nhưng giá cả nhiều mặt hàng (nhất là trái cây, rau, củ) đã nhích lên so với những tháng trước.

Để không xảy ra tăng giá đột biến, ảnh hưởng đến hình ảnh của thành phố, nhất là thời điểm diễn ra Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2018, các cơ quan chức năng đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. 

Công tác bình ổn giá mùa du lịch hè được tăng cường nhằm đảm bảo một môi trường du lịch an toàn, lành mạnh và thân thiện.  TRONG ẢNH: Du khách tham quan, mua sắm tại chợ Hàn.
Công tác bình ổn giá mùa du lịch hè được tăng cường nhằm đảm bảo một môi trường du lịch an toàn, lành mạnh và thân thiện. TRONG ẢNH: Du khách tham quan, mua sắm tại chợ Hàn.

Những ngày này, lượng khách du lịch đến tham quan, mua sắm tại chợ Hàn tăng mạnh. Theo Ban quản lý chợ Hàn, lượng khách tăng khoảng 5% so với thời điểm sau lễ 30-4, 1-5, nhất là khách nội địa, do bước vào kỳ nghỉ hè, nhiều gia đình cho con em đi du lịch. Để bảo đảm nguồn hàng cung ứng cho nhu cầu đang tăng lên, tiểu thương ở các ngành hàng đặc sản, thời trang, ăn uống, trái cây… bắt đầu nhập hàng về với số lượng lớn hơn bình thường.

Bà Lê Thị Bảy, chủ quầy đặc sản Bà Bảy ở chợ Hàn cho biết, lượng hàng dự trữ tăng khoảng 5-7% so với vài tuần trước, giá cả vẫn giữ nguyên. Trong đó, các loại hải sản khô như mực khô, mực rim, cá bống rim ngọt, bò khô, cá bò khô, tôm tít phơi khô… được khách du lịch ưa chuộng với lượng tiêu thụ tương đối lớn.

Trong khi đó, ở các quầy bán hàng thời trang tại các điểm chợ du lịch như chợ Hàn hay chợ Cồn, qua tìm hiểu của chúng tôi, lượng hàng đã tăng lên thấy rõ. Chị Nguyễn Thị Hương, chủ quầy áo quần tại chợ Cồn bày tỏ, đây là mùa cao điểm khách du lịch đến Đà Nẵng nên phải tranh thủ nhập hàng về tăng gấp đôi những tháng sau Tết. Giá các mặt hàng không biến động lớn, nhưng lượng tiêu thụ thì tăng rõ rệt.

Ngoài nguyên nhân thành phố bắt đầu mùa cao điểm du lịch hè thì hơn 1 tuần qua, các mặt hàng trái cây bắt đầu được tiêu thụ mạnh do bước vào mùa nắng nóng trong năm, nhất là những chủng loại bình dân như: dưa hấu, cam, dừa, quýt, dứa, xoài… Mức giá cũng nhích lên từ 2.000-3.000 đồng/kg.

Những loại trái cây theo mùa như vải đã bắt đầu được bày bán nhiều tại các điểm chợ hay quầy hàng, mức giá dao động từ 30.000-40.000 đồng/kg; cam sành loại ngon giá 30.000-35.000 đồng/kg (tăng 4.000 đồng/kg), loại 2, 3 từ 20.000-25.000 đồng/kg (tăng 2.000 đồng/kg), dứa loại nhỏ có giá 20.000 đồng/2 trái (tăng 4.000 đồng), dưa hấu tùy xuất xứ giá 7.000-12.000 đồng/kg (tăng 2.000 đồng/kg), xoài keo giá 25.000 đồng/kg (tăng 5.000 đồng/kg)…

Cơ quan chức năng Đà Nẵng tăng cường giám sát để không xảy ra tăng giá đột biến. 									 Ảnh: XUÂN SƠN
Cơ quan chức năng Đà Nẵng tăng cường giám sát để không xảy ra tăng giá đột biến. Ảnh: XUÂN SƠN

Các mặt hàng hải sản tươi sống được tiêu thụ mạnh hơn hẳn, dù mức giá vẫn giữ ổn định. Tại quầy bán hải sản tươi sống của bà Trần Thị Bé ở chợ Hàn, giá cả các loại cá, tôm, mực vẫn được duy trì như những ngày trước.

Cụ thể: cá nục được bán ra với giá 40.000 đồng/kg, cá thu 220.000 đồng/kg (loại 2 ký trở lên), tôm bạc nuôi 170.000 đồng/kg, tôm sông 300.000 đồng/kg, cá chim biển 170.000 đồng/kg, cá giò 70.000 đồng/kg… “Mấy hôm nay, các loại cá, tôm, mực… được mua nhiều hơn hẳn (khoảng 5-10kg/loại), một phần khách mua sỉ cho các nhà hàng, quán nhậu vì bước vào mùa du lịch hè, phần khác do nắng nóng nên người ta thích ăn hải sản hơn các loại thịt”, bà Bé nhận định.

Theo ông Dương Văn Thanh, Tổ trưởng Tổ bảo vệ thuộc Ban Quản lý chợ Hàn, qua theo dõi và ghi chú mức giá hằng ngày, chưa phát hiện bất cứ dấu hiệu tăng giá bất hợp lý nào.

Trong khi đó, lượng hàng bán sỉ, lẻ ở chợ đầu mối Hòa Cường (quận Hải Châu) cũng tăng từ 5-7% so với tháng trước, nguồn hàng chủ yếu được nhập về từ Lâm Đồng và Quảng Nam. Trong đó, về nhiều nhất vẫn là các loại rau, củ, quả, đơn cử như: rau cải có giá 7.000-8.000 đồng/kg, cà rốt từ 12.000-14.000/kg, khoai tây 14.000-15.000 đồng/kg, xà lách 10.000 đồng/kg, cà chua 19.000-20.000 đồng/kg. Các loại rau quê (từ Quảng Nam) như: rau muống, mồng tơi, rau lang có giá từ 5.000-7.000 đồng/bó, bầu từ 7.000-8.000 đồng/kg… Các loại trái cây cũng tăng giá như: cam sành giá 20.000-25.000 đồng/kg (tăng 2.000-3.000 đồng/kg), táo Mỹ 50.000-60.000 đồng/kg, xoài từ 20.000-25.000 đồng/kg (tăng 2.000 đồng/kg)…

Mặt hàng hải sản về chợ Đống Đa những ngày qua cũng khá phong phú với mức giá mực ống (size 25cm/con) 240.000 đồng/kg, size 20-25cm giá 210.000 đồng/kg, cá chuồn 50.000 đồng/kg… Tại cảng cá Thọ Quang, lượng hàng cập bến trong những ngày qua không tăng nhiều, giá cả vẫn giữ bình ổn. Ông Nguyễn Lại, Trưởng phòng Khai thác dịch vụ thuộc Ban Quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang cho hay, giá cả các mặt hàng được kiểm soát chặt chẽ nhằm tránh tình trạng nhu cầu tăng giá tăng theo, gây ảnh hưởng đến mặt bằng giá chung.

Về công tác kiểm soát giá, ông Nguyễn Nho Hậu, Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công thương) thông tin, đơn vị đã tăng cường lực lượng và phối hợp với các địa phương để bảo đảm bình ổn thị trường. Bên cạnh đó, các địa phương như quận Sơn Trà, Hải Châu, Thanh Khê tiếp tục tổ chức các buổi gặp mặt, tuyên truyền người dân, chủ các cơ sở kinh doanh ngành hàng ăn uống, lưu trú… thực hiện cam kết không nâng giá, bán hàng theo giá niêm yết công khai, có thái độ giao tiếp đúng mực. Đối với những trường hợp có phản ánh và xác minh vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm.

Bài và ảnh: MẪU ĐƠN - BAODANANG.VN