BẤT ĐỘNG SẢN DU LỊCH HỒI PHỤC SAU THỜI GIAN 'NGỦ ĐÔNG'

2 năm trước

Sau 2 năm “đóng băng” bởi dịch COVID-19, bất động sản du lịch tại Việt Nam được dự báo sẽ trỗi dậy khi sở hữu rất nhiều tiềm năng và đặc biệt là thị trường du lịch đã trở lại.

Bất động sản nghỉ dưỡng trở lại

Từ cuối năm 2021, khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, nền kinh tế mở cửa trở lại, những tín hiệu khởi sắc đã xuất hiện trên thị trường bất động sản. Đặc biệt, trong quý I/2022, đã chứng kiến sự phục hồi rõ nét của bất động sản nghỉ dưỡng ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Theo báo cáo của DKRA Vietnam, trong quý I/2022 loại hình bất động sản nghỉ dưỡng có tín hiệu khởi sắc ở hầu hết các các phân khúc. Cụ thể, nguồn cung biệt thự nghỉ dưỡng đạt khoảng 1.020 căn, tỷ lệ tiêu thụ đạt 57% (khoảng 579 căn) trên nguồn cung mới.

Phân khúc nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng trong khu phức hợp đón nhận nguồn cung mới khoảng 2.768 căn, tăng 4% so với quý trước và gấp 12,4 lần so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tiêu thụ đạt xấp xỉ 87%, tương đương 2.408 căn, tăng 4% so với quý IV/2021 và gấp 14,7 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Riêng condotel ghi nhận 613 căn mở bán, tỷ lệ tiêu thụ đạt 32% nguồn cung mới, tương đương 199 căn, gấp 3,3 lần so với quý IV/2021 nhưng chỉ bằng 43% so với cùng kỳ năm 2021.

DKRA Vietnam cũng dự báo, trong quý II/2022, nguồn cung mới condotel và biệt thự nghỉ dưỡng có thể tăng, tập trung chủ yếu ở những thị trường quen thuộc như: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận, Thanh Hóa. Sức cầu chung toàn thị trường vẫn dự kiến tăng nhẹ so với quý trước, giao dịch tập trung chủ yếu vào loại hình nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng, biệt thự nghỉ dưỡng thuộc những dự án được phát triển bởi các chủ đầu tư lớn, uy tín.  

IMG_0631-3

Bất động sản du lịch hồi phục sau thời gian ‘ngủ đông’ vì dịch COVID-19.

Theo DKRA Vietnam, những nguyên nhân chính tác động đến sự hồi phục của bất động sản nghỉ dưỡng đó là du lịch được khởi động và ghi nhận những bước tăng trưởng đáng chú ý.

Đồng thời, ở góc độ thị trường, DKRA Vietnam ghi nhận, trong quý I/2022, loại hình bất động sản nghỉ dưỡng chứng kiến những diễn biến sôi động ở một số phân khúc như biệt thự nghỉ dưỡng và nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng với nguồn cung và lượng tiêu thụ tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Dự báo trong năm 2022, các thị trường truyền thống có thương hiệu du lịch như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc… sẽ phục hồi và có những bước trỗi dậy mạnh mẽ.

Cùng với đó, việc hoàn thiện sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đầu tư 2020 và Luật Đất đai 2013 liên quan đến pháp lý của bất động sản du lịch sẽ tạo ra tiền đề tích cực cho bất động sản nghỉ dưỡng khởi sắc...

Ngoài ra, các yếu tố về chính sách và kinh tế vĩ mô của Nhà nước như gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ của Chính phủ để kích cầu và hỗ trợ phục hồi nền kinh tế sau dịch, phân bổ ngân sách đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông, điều chỉnh lãi suất ngân hàng… đang mở ra nhiều cơ hội mới để các phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng nói riêng và thị trường bất động sản nói chung phát triển sôi động trở lại.

Trị trường khách sạn đang ấm lên

Theo đại diện của STR (một công ty quốc tế chuyên phân tích và cung cấp dự liệu về khách sạn), hiện nay công suất phòng vẫn chưa đạt được một nửa so với công suất cùng kỳ năm 2019, tuy nhiên, việc nới lỏng các hạn chế đi lại và mở cửa du lịch quốc tế đã giúp nhiều khách sạn cải thiện hoạt động kinh doanh.

Khách sạn và resort tại các địa điểm du lịch nghỉ dưỡng cũng đang trong quá trình hồi phục nhưng chưa ổn định, đặc biệt là tại các địa phương phụ thuộc nhiều vào nguồn khách quốc tế như Đà Nẵng và Nha Trang. Tính đến cuối tháng 3/2022, công suất phòng tại thị trường Việt Nam vẫn dưới mức 20%; giá phòng bình quân vẫn thấp hơn năm 2019 gần 20%.

Trước dịch COVID-19, Đông Nam Á là một trong những điểm đến du lịch rất được ưa chuộng trên thế giới. Trong đó, Việt Nam nổi lên như một quốc gia có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ cả về thị trường nội địa và quốc tế với bốn năm liên tiếp ghi nhận tốc độ tăng trưởng hai con số (tính đến năm 2019). Giới hạn về việc đi lại, giãn cách xã hội và đóng cửa biên giới là những đòn giáng mạnh mẽ đến đà tăng trưởng của ngành du lịch Việt Nam. 

Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels APAC cho biết, từ đầu năm 2022, nhu cầu du lịch đã bắt đầu quay trở lại, bao gồm các hoạt động du lịch quốc tế. Hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia trong khu vực có ít rào cản nhất đối với thị trường khách quốc tế.

“Chúng ta đang đứng trước cơ hội đón đầu nhu cầu phục hồi du lịch từ nhóm khách châu Á sau một thời gian dài phải tạm dừng thực hiện các chuyến đi. Các khách sạn cũng ghi nhận sự tăng trưởng nguồn khách quốc tế trong vài tuần qua. Tuy giá phòng và công suất của các khách sạn vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch và so với một vài điểm đến khác trong khu vực nhưng nhìn chung hai chỉ số này đều có xu hướng cải thiện”, ông Mauro Gasparotti chia sẻ.

Theo ông Mauro Gasparotti, sự sụt giảm nguồn cầu chỉ là một trong những rào cản cho quá trình phục hồi của ngành du lịch. Bên cạnh đó, không thể không đề cập đến tốc độ tăng trưởng nguồn cung lớn tại một số địa điểm du lịch trong nước. Số lượng dự án mang thương hiệu khách sạn của Nhà điều hành quốc tế và khu vực dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong ba năm tới, từ 127 lên 261 dự án vào năm 2025. 

Nguồn: Thành Vân (Theo nhadautu.vn)