BẤT ĐỘNG SẢN CÔNG NGHIỆP MIỀN TRUNG CÒN NHIỀU DƯ ĐỊA PHÁT TRIỂN

4 năm trước

Mặc dù đang gặp nhiều khó khăn do Covid-19, nhưng phân khúc bất động sản công nghiệp tại miền Trung vẫn cho thấy triển vọng tăng trưởng trong thời gian tới.

.

Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đang là điểm đến đầu tư sản xuất thay thế cho miền Bắc và miền Nam.

Ông John Campbell, Tư vấn cấp cao, Bộ phận Dịch vụ bất động sản công nghiệp Savills Việt Nam nhận định, tại miền Trung, với dòng chảy đầu tư dự án sản xuất, các nhà phát triển khu công nghiệp đang tích cực chuyển đổi các vùng nông nghiệp sang công nghiệp, nhằm đảm bảo nguồn cung trong tương lai. Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đang là điểm đến đầu tư sản xuất thay thế cho miền Bắc và miền Nam. Việc Tập đoàn Universal Alloy Corporation (Mỹ) xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện máy bay trị giá 170 triệu USD trong Khu công nghệ cao Đà Nẵng chính là minh chứng cho điều này.

Đại diện Savills Việt Nam cũng cho rằng, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia đã tạo cơ hội cho nguồn vốn đầu tư đổ về, từ đó tác động tích cực đến ngành bất động sản công nghiệp. Đặc biệt, với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), được kỳ vọng sẽ gia tăng thu hút nguồn vốn FDI trong thời gian tới.

“Ngày càng có nhiều nhà đầu tư bất động sản công nghiệp tự tin rằng CPTPP và EVFTA sẽ thúc đẩy đầu tư vào sản xuất, từ đó mở rộng nhóm khách thuê hơn. Các nhà đầu tư hy vọng sẽ gia tăng nhu cầu thuê từ các nhà sản xuất châu Âu”, ông John Campbell nói.

Là phân khúc chỉ nhận được sự quan tâm ở vị trí thứ ba, sau bất động sản nghỉ dưỡng và đất nền, song nhiều chuyên gia nhận định, bất động sản công nghiệp mới thật sự là phân khúc triển vọng phát triển mang tính ổn định và lâu dài, khi miền Trung đang là nơi có làn sóng đầu tư diễn ra mạnh mẽ. Đồng thời, giá đất cho thuê tại các khu công nghiệp còn khá rẻ.

Theo khảo sát của Savills Việt Nam, mức giá đất cho thuê tại các khu công nghiệp ở Thừa Thiên Huế hiện nay vào khoảng 27 USD/m2/năm, ở Nghệ An là 32 USD/m2/năm, ở Quảng Nam là 35 USD/m2/năm, ở Quảng Ngãi là 38 USD/m2/năm và ở Đà Nẵng là 42 USD/m2/năm. Đây là mức giá thấp hơn so với các khu công nghiệp ở miền Bắc và miền Nam.

Theo số liệu từ Trung tâm Xúc tiến đầu tư miền Trung (Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nửa đầu năm 2020, khu vực miền Trung thu hút được 71 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư 234,6 triệu USD. Trong đó, dẫn đầu về thu hút FDI là Đà Nẵng với 118,5 triệu USD vốn đăng ký mới, Quảng Ngãi đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký cấp mới gần 64 triệu USD, Quảng Nam đứng thứ 3 với gần 33,085 triệu USD vốn đăng ký cấp mới.

Hiện lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp ngày càng được chú trọng đầu tư mạnh mẽ và có nhiều dự án hạ tầng khu công nghiệp quy mô lớn, hiện đại tại các địa phương miền Trung. Tiêu biểu như Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP Quảng Ngãi). Đây là khu công nghiệp được khởi công xây dựng từ năm 2013, nằm tại xã Tịnh Phong và Tịnh Thọ, thuộc Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi), có diện tích quy hoạch 1.700 ha. Từ khi đi vào hoạt động, VSIP Quảng Ngãi đã thu hút được nhiều dự án, đặc biệt là dòng vốn FDI, bởi có nhiều cơ chế chính sách ưu đãi vượt trội đối với nhà đầu tư.

Tại Đà Nẵng, Công ty cổ phần Phát triển công nghệ thông tin Đà Nẵng cũng đã hoàn thành dự án Khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng (Danang IT Park) giai đoạn I và sẵn sàng thu hút các dự án đầu tư. Dự án này có diện tích 341 ha, với tổng vốn đầu tư lên tới 121 triệu USD (tương đương 2.744 tỷ đồng), trong đó giai đoạn I có diện tích 131 ha, vốn đầu tư 47 triệu USD.

Cạnh Danang IT Park là Khu công nghệ cao Đà Nẵng. Tính đến tháng 5/2020, Khu công nghệ cao Đà Nẵng đã thu hút được 18 dự án, trong đó có 9 dự án FDI với tổng vốn đầu tư trên 336,9 triệu USD và 9 dự án có vốn đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 5.272 tỷ đồng. Mới đây, Đà Nẵng đã cấp phép đầu tư Nhà máy sản xuất thiết bị y tế ICT Vina II của nhà đầu tư Hàn Quốc, với vốn đầu tư đăng ký 60 triệu USD.

Tại Quảng Nam, Thaco Trường Hải cũng đã chi 1.600 tỷ đồng để đầu tư Dự án Khu công nghiệp cơ khí và ô tô có diện tích 115 ha tại huyện Núi Thành. Đơn vị này hướng đến mục tiêu thu hút và phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm giảm giá thành và gia tăng tỷ lệ nội địa hóa cho ô tô du lịch trên 40%, đáp ứng điều kiện để xuất khẩu sang các nước trong khu vực ASEAN, hình thành Trung tâm cơ khí đa dụng tập trung có quy mô lớn tại miền Trung.

Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định, bất động sản công nghiệp đang tạo dựng niềm tin mạnh mẽ về sự tăng trưởng trong mắt nhà đầu tư quốc tế. “Việt Nam đang không ngừng phát triển, trở thành một trong những điểm đến thu hút đầu tư của khu vực Đông Nam Á. Cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, bất động sản công nghiệp là phân khúc có triển vọng tốt”, ông Nam nói.

Nguồn: Ngọc Tân (Theo dautubds.baodautu.vn)