10 SỰ KIỆN NỔI BẬT THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG NĂM 2019

4 năm trước

Năm 2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” nhằm tạo đột phá cho Đà Nẵng, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát và quyết liệt của lãnh đạo thành phố, Đà Nẵng đã đạt được nhiều kết quả khả quan trên các lĩnh vực, là nền tảng để có thể bứt phá trong năm 2020. Dưới đây là 10 sự kiện nổi bật thành phố Đà Nẵng năm 2019 do Báo Đà Nẵng bình chọn.

1. Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”

Theo Nghị quyết số 43-NQ/TW, xây dựng Đà Nẵng thành thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á. 	  Ảnh: NAM TRÂN

Theo Nghị quyết số 43-NQ/TW, xây dựng Đà Nẵng thành thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á. Ảnh: NAM TRÂN

Ngày 24-1-2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Nghị quyết số 43-NQ/TW được đánh giá sẽ tạo đột phá cho Đà Nẵng, không những định hướng chiến lược phát triển mà còn cả đổi mới hoàn thiện cơ chế, chính sách, thể chế, có tính chất mở đường đưa Đà Nẵng phát triển nhanh và bền vững trong tương lai.

Tầm nhìn đến năm 2045, thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á. Nghị quyết định hướng thành phố Đà Nẵng tập trung phát triển trên 3 trụ cột chính: du lịch, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển; bảo đảm quốc phòng-an ninh, chủ quyền biển, đảo, trật tự, an toàn xã hội; đồng thời chú trọng đầu tư 5 lĩnh vực mũi nhọn: du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics; công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp; công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số; sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và ngư nghiệp.

Ngày 10-5-2019, Thành ủy Đà Nẵng ban hành Chương trình số 29-CTr/TU nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW với 7 nội dung trọng tâm trên các lĩnh vực.

2. Thu hút đầu tư tăng trưởng ấn tượng

Nhà máy sản xuất các thiết bị y tế trong nha khoa của Công ty TNHH ICT Vina tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng đã hoàn thành xây dựng giai đoạn 1. 				             Ảnh: HOÀNG HIỆP

Nhà máy sản xuất các thiết bị y tế trong nha khoa của Công ty TNHH ICT Vina tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng đã hoàn thành xây dựng giai đoạn 1. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Thực hiện “Năm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư 2019”, ngay từ đầu năm, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố đã mạnh dạn đăng ký nhiệm vụ “Xúc tiến, kêu gọi đầu tư (chấp thuận đầu tư, PPP, đấu thầu dự án sử dụng đất) 6 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 6.000 tỷ đồng”.  Đến cuối năm, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND thành phố cấp 7 quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đầu tư hơn 8.638 tỷ đồng, tăng 36,25% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó có một số dự án lớn trên 1.000 tỷ đồng như: dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị du lịch Thủy Tú của Công ty CP Tài chính và Phát triển doanh nghiệp với tổng vốn đầu tư hơn 1.823 tỷ đồng; dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng và biệt thự cao cấp ven biển Đà Nẵng của Công ty CP Phát triển đô thị du lịch Quảng An với tổng vốn đầu tư 4.942 tỷ đồng...

Về đầu tư nước ngoài, năm 2019, Đà Nẵng đã thu hút được 689,3 triệu USD. Theo đó, có 130 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư đăng ký là 438,6 triệu USD (gấp 7,4 lần so với cùng kỳ năm 2018); 16 dự án tăng vốn với tổng vốn tăng thêm là 117,3 triệu USD (gấp 63 lần so với cùng kỳ 2018); 208 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua phần vốn góp với giá trị 133,264 triệu USD, (gấp 3,9 lần so với cùng kỳ năm 2018). Lũy kế đến ngày 31-11-2019, Đà Nẵng có 812 dự án FDI trên địa bàn với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng trên 3,47 tỷ USD. Suất đầu tư vào Đà Nẵng ngày càng tăng như: năm 2017, suất đầu tư bình quân là 1.196.495 USD/dự án; năm 2018, suất đầu tư bình quân 1.237.540 USD/dự án và năm 2019 thì suất đầu tư 3.656.792 USD/dự án.

3. Tổng thu du lịch tăng 16,7%, doanh thu công nghệ phần mềm tăng 19,2%

Ngành du lịch thành phố đang hướng đến du lịch chất lượng cao, chuyển từ lượng sang chất, mở rộng các thị trường khách tiềm năng. Trong ảnh: Khách quốc tế tham quan khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn. 			                          Ảnh: THU HÀ

Ngành du lịch thành phố đang hướng đến du lịch chất lượng cao, chuyển từ lượng sang chất, mở rộng các thị trường khách tiềm năng. Trong ảnh: Khách quốc tế tham quan khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn. Ảnh: THU HÀ

Năm 2019, tổng lượt khách đến tham quan, du lịch Đà Nẵng ước đạt 8,7 triệu lượt, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 106,1% kế hoạch; trong đó, khách quốc tế ước đạt 3,5 triệu lượt, tăng 22,5% so với cùng kỳ 2018, khách nội địa ước đạt 5,2 triệu lượt, tăng 8% so với cùng kỳ 2018. Tổng thu du lịch ước đạt 30.973 tỷ đồng, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 113% kế hoạch.

Năm 2019, lượng khách đến từ thị trường Trung Quốc tăng 26%, Hàn Quốc tăng 16%, Nhật Bản tăng 51%, Malaysia tăng 52%, Thái Lan tăng 212%, Đài Loan (Trung Quốc) tăng 126%...

Năm 2019, tổng doanh thu toàn ngành Thông tin và Truyền thông dự kiến là 30.050 tỷ đồng, đạt 104% kế hoạch, tăng 19,2% so với năm 2018. Kim ngạch xuất khẩu phần mềm là 89 triệu USD, đạt 111% so với kế hoạch, tăng 14% so với năm 2018. Đặc biệt, một số doanh nghiệp phần mềm trên địa bàn thành phố đã gia nhập câu lạc bộ “nghìn tỷ” như Viettel Đà Nẵng và FPT Software Đà Nẵng. Nhiều doanh nghiệp khác cũng đạt được những kết quả tốt, tăng trưởng ngoạn mục như Công ty TNHH Asian Tech, Công ty TNHH Rikkeisoft…

4. Thuê tư vấn Singapore thực hiện đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung  đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Năm 2019, thành phố Đà Nẵng được Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ thực hiện điều chỉnh Quy hoạch chung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ảnh: NAM PHƯƠNG

Năm 2019, thành phố Đà Nẵng được Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ thực hiện điều chỉnh Quy hoạch chung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ảnh: NAM PHƯƠNG

Ngày 1-3-2019, tại sự  kiện “Tọa đàm mùa Xuân 2019”, UBND thành phố thông báo nội dung ký hợp đồng thuê đối tác Singapore lập đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Liên danh của Singapore là Công ty Sakae Corporate Advisory (tư vấn hợp phần thiết kế chiến lược phát triển kinh tế đến năm 2030) và Công ty tư vấn Surbana Jurong (tư vấn hợp phần điều chỉnh quy hoạch chung) được thành phố chọn lựa.

Trước đó, đầu tháng 2-2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ký quyết định phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Phạm vi nghiên cứu trực tiếp gồm toàn bộ địa giới hành chính thành phố Đà Nẵng với tổng diện tích 128.543ha. Ngày 26-12-2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ký Quyết định số 1903/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, phạm vi quy hoạch gồm phần lãnh thổ thành phố Đà Nẵng với diện tích tự nhiên 1.284,88km2...; trong đó, các quận nội thành 246,7km2, các quận ngoại thành 1.038,17km2 (trong đó huyện Hoàng Sa có diện tích 305km2).

5. Tổng kết 10 năm thực hiện “Thành phố môi trường” và triển khai đề án “Thành phố thông minh”

Thành phố Đà Nẵng công bố triển khai đề án “Thành phố thông minh” từ năm 2019 với mục tiêu đến năm 2030, hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết hợp đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN.                                           Ảnh: T. TÙNG

Thành phố Đà Nẵng công bố triển khai đề án “Thành phố thông minh” từ năm 2019 với mục tiêu đến năm 2030, hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết hợp đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN. Ảnh: T. TÙNG

Tháng 6-2019, UBND thành phố tổng kết 10 năm thực hiện đề án “Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường”. Trong 10 năm qua, Đà Nẵng chi cho công tác bảo vệ môi trường là 11.922 tỷ đồng, gồm nhiều nguồn khác nhau, trong đó riêng ngân sách Nhà nước là 978 tỷ đồng. Đến nay, 100% khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung, chất lượng nước thải sau xử lý cơ bản bảo đảm quy chuẩn môi trường. Đặc biệt, 13/15 điểm nóng về môi trường đến nay được xử lý triệt để, 2 điểm nóng phức tạp được kiềm chế. Chỉ số ô nhiễm không  khí (API) nhỏ hơn 100 (đo đạc bằng các trạm quan trắc tự động và liên tục). Diện tích không gian cây xanh đô thị bình quân 6 đến 8m2/người. Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch tại nội thành đạt 97,83%, tại huyện Hòa Vang đạt 76,81%…

Đề án “Thành phố môi trường” tiếp tục thực hiện ở giai đoạn 2020-2030 và tầm nhìn 2045.

Tháng 4-2019, UBND thành phố công bố triển khai đề án xây dựng “Thành phố thông minh”, xác định 3 giai đoạn xây dựng thành phố thông minh Đà Nẵng bao gồm: Giai đoạn 1, đến năm 2020 thực hiện sẵn sàng hạ tầng, nền tảng và dữ liệu thông minh; tổng kinh phí thực hiện 939 tỷ đồng (thu hút đầu tư từ hình thức hợp tác công - tư (PPP) chiếm 550 tỷ đồng, doanh nghiệp đầu tư 46 tỷ đồng); giai đoạn 2021-2025, thực hiện thông minh hóa các ứng dụng với tổng kinh phí 1.191 tỷ đồng (vốn PPP chiếm 700 tỷ đồng, vốn vay ODA chiếm 150 tỷ đồng, doanh nghiệp đầu tư 36 tỷ đồng); giai đoạn 2026-2030, thực hiện thông minh hóa các ứng dụng CNTT trên cơ sở tổng kết hoạt động giai đoạn 2021-2025. Việc triển khai đề án “Thành phố thông minh” mỗi năm sẽ tiết kiệm 1.000 tỷ đồng các chi phí cũng như tiết kiệm 10-20% các nguồn lực. Mục tiêu đến năm 2030, Đà Nẵng hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết hợp đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN.

6. Triển khai mạnh mẽ chủ trương trả lại không gian công cộng tại các dự án, tăng cường trách nhiệm của chủ đầu tư với lợi ích cộng đồng

Lãnh đạo thành phố và các đơn vị liên quan kiểm tra thực tế vào ngày 19-7-2019 để mở tuyến đường đi bộ, xe đạp dọc bãi biển phía đông các khu du lịch ở quận Ngũ Hành Sơn.                        Ảnh: HOÀNG HIỆP

Lãnh đạo thành phố và các đơn vị liên quan kiểm tra thực tế vào ngày 19-7-2019 để mở tuyến đường đi bộ, xe đạp dọc bãi biển phía đông các khu du lịch ở quận Ngũ Hành Sơn. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, các đơn vị, chủ đầu tư và các địa phương của quận Ngũ Hành Sơn đã tập trung thực hiện cơ bản hoàn thành 4 lối xuống biển: cuối đường Hồ Xuân Hương, giữa khách sạn Furama và quần thể đô thị du lịch Ariyana, phía bắc khu du lịch The Song và phía nam khu du lịch Silver Shores.  

Cùng với việc mở các lối xuống biển ở quận Ngũ Hành Sơn, UBND thành phố có chủ trương quy hoạch, đầu tư xây dựng một số quảng trường kết hợp bãi đậu xe ở dọc đường Nguyễn Tất Thành (thuộc địa bàn 2 quận Thanh Khê và Liên Chiểu) nhằm đáp ứng nhu cầu tiếp cận, thụ hưởng không gian biển của người dân, du khách.

Qua làm việc với chủ đầu tư dự án khu du lịch sinh thái Nam Ô, thành phố đã phê duyệt điều chỉnh giảm diện tích dự án để xây dựng 5 lối xuống biển phục vụ cộng đồng; đưa ghềnh Nam Ô (3,05ha), bãi cát ra khỏi dự án; điều chỉnh vệt đất mặt tiền đường Nguyễn Tất Thành thành công viên, bãi đỗ xe công cộng; mở rộng đường dân sinh hiện trạng (giữa khu dân cư và dự án) từ rộng 4m lên 5,5m. UBND thành phố thống nhất chủ trương điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu di tích đồi Trung Sơn (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) theo hướng giữ lại di tích… Các sở, ngành và địa phương triển khai thu hồi vệt bãi cát công cộng ven biển quận Ngũ Hành Sơn và vận động các chủ đầu tư khu du lịch ven biển đầu tư xây dựng tuyến đường đi bộ, xe đạp dọc bãi biển phía đông các khu du lịch.

7. Triển khai các bước đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu

Khu vực quy hoạch đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu.  Ảnh: N.PHƯƠNG

Khu vực quy hoạch đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu. Ảnh: N.PHƯƠNG

Dự án cảng Liên Chiểu đã được HĐND thành phố phê duyệt thông qua chủ trương đầu tư. Cảng Liên Chiểu được quy hoạch để đảm nhận vai trò khu bến chính của cảng cửa ngõ quốc tế tại miền Trung, tiếp nhận tàu trọng tải 100.000 tấn... Cơ sở hạ tầng dùng chung cho 2 bến dự kiến vốn đầu tư hơn 3.400 tỷ đồng (chi phí xây dựng gần 3.000 tỷ đồng)… Theo Văn bản số 302/BC-UBND thành phố gửi HĐND thành phố tại kỳ họp cuối năm 2019 báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2019 và Kế hoạch đầu tư công năm 2020, dự án cảng Liên Chiểu (bao gồm đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối từ cảng Liên Chiểu đến đường Hồ Chí Minh; đường vành đai phía bắc) đang triển khai lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000, thời gian hoàn thành vào tháng 12-2019. Tư vấn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, dự kiến trình phê duyệt tháng 2-2020.

Ngày 12-11-2019, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 10344/VPCP-KTTH thông báo Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về bố trí 300 tỷ đồng từ nguồn dự phòng chung Kế hoạch đầu tư công trung hạn của cả nước giai đoạn 2016-2020 để triển khai thực hiện dự án nhằm bảo đảm mục tiêu khai thác tiềm năng kinh tế biển, cảng biển, dịch vụ logistics đáp ứng yêu cầu, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng trong tương quan với khu vực miền Trung và cả nước.

8. Lần đầu tiên Đà Nẵng đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và quận, huyện (DDCI)

Công dân đến giao dịch thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính Đà Nẵng. 			       Ảnh: LAM PHƯƠNG

Công dân đến giao dịch thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính Đà Nẵng. Ảnh: LAM PHƯƠNG

Ngày 9-10-2019, UBND thành phố công bố kết quả đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và quận, huyện (DDCI) năm 2018. Đây là lần đầu tiên thành phố áp dụng thực hiện việc đánh giá một cách khoa học về chất lượng, năng lực, hiệu quả điều hành kinh tế của các đơn vị sở, ngành, địa phương trên địa bàn. Trong năm đầu tiên đánh giá, Sở Thông tin và Truyền thông và quận Cẩm Lệ đứng đầu bảng đánh giá khối sở, ngành và địa phương.

Trên cơ sở kế thừa nghiên cứu Bộ Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và những nét đặc thù của Đà Nẵng, thành phố nghiên cứu, xây dựng một Bộ chỉ số DDCI với mục tiêu kỳ vọng sẽ là một trong những giải pháp thiết thực, hiệu quả để tạo sự cạnh tranh, thi đua về chất lượng điều hành kinh tế giữa các sở, ban, ngành, quận/huyện; tạo động lực cải cách một cách quyết liệt, đồng bộ trong nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến nhà đầu tư, doanh nghiệp và kiến tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực.

9. Đưa vào hoạt động Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện Đà Nẵng) và triển khai nhiều dự án trọng điểm trên lĩnh vực y tế

Các y, bác sĩ tập trung cao độ trong một ca phẫu thuật, can thiệp tim mạch tại Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đà Nẵng.           Ảnh: PHAN CHUNG

Các y, bác sĩ tập trung cao độ trong một ca phẫu thuật, can thiệp tim mạch tại Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: PHAN CHUNG

Đầu năm 2019, Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện Đà Nẵng) được đưa vào sử dụng tại địa chỉ 138-140 đường Hải Phòng, quận Hải Châu). Đây là công trình y tế được UBND thành phố phê duyệt vào năm 2015 với tổng mức đầu tư 236 tỷ đồng.

Tháng 5-2019, UBND thành phố phê duyệt đầu tư xây dựng Trung tâm Ghép tạng và cấy ghép tế bào gốc tại Bệnh viện Đà Nẵng với tổng diện tích 2.629m2, với tổng mức đầu tư 495,6 tỷ đồng từ ngân sách thành phố, triển khai trong năm 2020. Đây là dự án trọng điểm mang tính động lực cần tập trung triển khai trong giai đoạn từ 2016-2020 theo Nghị quyết của HĐND thành phố. Trong năm 2020, thành phố triển khai dự án Trung tâm Phẫu thuật thần kinh - chấn thương và bỏng tạo hình Bệnh viện Đà Nẵng; Bệnh viện Đà Nẵng cơ sở 2; mở rộng Bệnh viện Phụ sản-Nhi… Trong giai đoạn 2020-2025, thành phố đưa dự án Trung tâm Điều trị ung bướu quốc tế chất lượng cao (tổng vốn dự kiến 11.000 tỷ đồng) vào danh mục thu hút đầu tư trọng điểm.

10. Kiểm soát tội phạm ma túy, tín dụng đen và người nước ngoài vi phạm pháp luật

Lực lượng Công an phát hiện, bắt giữ nhiều đối tượng sử dụng ma túy. Ảnh: N.PHÚ

Lực lượng Công an phát hiện, bắt giữ nhiều đối tượng sử dụng ma túy. Ảnh: N.PHÚ

Trước tình hình tội phạm ma túy, hoạt động tín dụng đen và tội phạm nước ngoài có dấu hiệu gia tăng trên địa bàn thành phố, năm 2019, Giám đốc Công an thành phố chỉ đạo lực lượng Công an các cấp tăng cường đấu tranh, triệt xóa. Kết quả, năm 2019, lực lượng Công an các cấp phát hiện 245 vụ, 350 đối tượng liên quan đến ma túy, thu giữ 16.408 gam ma túy các loại (tăng 43 vụ, 66 đối tượng, số lượng ma túy bị thu giữ tăng 300% so với năm 2018).

Kiểm soát tình hình tội phạm liên quan tín dụng đen, Công an thành phố đã đấu tranh, xử lý hình sự 9 nhóm/43 đối tượng; trong đó, đã khởi tố 4 vụ/8 đối tượng với tội danh “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”; 1 nhóm/2 đối tượng về hành vi cưỡng đoạt tài sản để đòi nợ; xử phạt hành chính 84 người, tiếp tục củng cố hồ sơ, tài liệu để xử lý đối với 32 người.

Song song, lực lượng Công an thành phố đã kiểm tra và phát hiện 556 trường hợp người nước ngoài (tăng 279 trường hợp so với cùng kỳ) vi phạm pháp luật trên địa bàn thành phố với các hành vi: tổ chức đánh bạc; nhập cảnh hoạt động sai mục đích; tàng trữ, sử dụng trái phép các chất ma túy; gây rối trật tự công cộng; cướp tài sản; sử dụng công nghệ để lừa đảo; thao túng chứng khoán; sản xuất phim đồi trụy… Ngoài ra, lực lượng Công an thành phố bắt giữ hàng chục đối tượng đang bị Công an Trung Quốc truy nã…

(Do Báo Đà Nẵng bình chọn) (Theo baodanang.vn)